Nông nghiệp tuần hoàn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bên cạnh các mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, tỉnh Sóc Trăng chú trọng hướng người dân sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ áp dụng mô hình canh tác lúa hữu cơ, nông dân Sóc Trăng tiết kiệm chi phí, giảm tác động có hại đến môi trường.
Nhờ áp dụng mô hình canh tác lúa hữu cơ, nông dân Sóc Trăng tiết kiệm chi phí, giảm tác động có hại đến môi trường.

Sóc Trăng có diện tích canh tác lúa hơn 330.000 ha, sản lượng rơm tương đương 2 triệu tấn. Trước đây, sau mỗi mùa thu hoạch, lượng rơm rạ đốt tại ruộng đã trở thành nguồn thải lớn gây ô nhiễm không khí. Nếu được tận dụng hợp lý, lượng rơm sau mỗi đợt thu hoạch lúa sẽ là nguồn nguyên vật liệu đa dụng cho một số mô hình sản xuất khác.

Việc tận dụng lượng rơm có được sau mỗi đợt thu hoạch lúa để trồng nấm đã và đang phát triển mạnh tại huyện Thạnh Trị. Nông dân Trần Văn Tâm ở thị trấn Phú Lộc cho biết, gia đình trồng nấm được 5 năm, do hợp thổ nhưỡng và đúng kỹ thuật cho nên năng suất nấm luôn đạt cao. Ông Tâm nói, nấm rơm rất dễ trồng, kỹ thuật khá đơn giản.

Từ khi trồng đến thu hoạch hết vụ chỉ trong khoảng 60 ngày. Ông Tâm cho biết thêm, nguyên liệu trồng nấm rơm có sẵn sau mỗi vụ lúa, chỉ cần thu gom về nơi tập kết rồi chất thành từng đống cao, tưới nước ủ rơm độ vài ngày cho rơm "chín", tạo độ ẩm để có thể chất thành giồng rồi rắc meo giống nấm lên rơm. "Chỉ cần tưới đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày và chỉ độ hơn 10 ngày sau là nấm mọc ra tua tủa. Nấm rơm cho thu hoạch mỗi ngày, liên tục từ 7 đến 10 ngày rồi ngưng lại. Sau 1 tuần lại có một đơn nấm mới để thu hoạch tiếp", ông Tâm nói.

Gia đình nông dân Lâm Thành Tâm là một trong hàng chục hộ Khmer ở ấp Hà Bô, xã Tài Văn, huyện Trần Đề có thu nhập ổn định từ việc tận dụng rơm sau vụ lúa để trồng nấm ngay chân ruộng. Ông Lâm Thành Tâm cho biết, có 1 ha đất trồng lúa, ông tận dụng đất ruộng sau thu hoạch để trồng nấm rơm vì rơm sẵn có ở ruộng, chỉ tốn chi phí cuộn rơm và mua meo, nguồn lao động là thành viên gia đình.

"Hiện nay nhà tôi trồng 700m mô trồng nấm rơm, 1m mô cho thu hoạch 1,5 kg nấm, thu hoạch nấm bán với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg, được hơn 50 triệu đồng. Trừ chi phí, tôi bỏ túi khoảng 40 triệu đồng, đủ trang trải cho các con ăn học những lúc nông nhàn", ông Tâm chia sẻ.

Theo Hội Nông dân huyện Trần Đề, qua nghiên cứu thấy mô hình trồng nấm rơm phù hợp với thổ nhưỡng ở Hà Bô cho nên đã hướng dẫn người dân trồng nấm rơm dưới chân ruộng, đất cập bờ kênh thủy lợi. Nhờ mô hình này, nhiều hộ gia đình người Khmer nghèo cải thiện được thu nhập, dần ổn định cuộc sống.

"Từ khi có nghề trồng nấm, người dân không còn phải đi làm thuê nữa, bởi ngoài hai vụ lúa đã có thêm nguồn thu từ nghề làm nấm rơm. Riêng đối với nhiều hộ không có đất sản xuất, xem việc trồng nấm như là một cách để nhanh chóng thoát nghèo. Vì chỉ cần một khoảng sân nhỏ trước nhà hay bên lề đường là họ có thể trồng nấm, thu về hàng triệu đồng mỗi đợt thu hoạch cao điểm", đại diện Hội Nông dân huyện Trần Đề cho biết.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh còn áp dụng các mô hình canh tác lúa thông minh, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến như giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, tưới nước ướt-khô xen kẽ… Nhờ canh tác khoa học, các thành viên đã giảm hơn 30% lượng phân bón, ruộng lúa ít sâu bệnh, cây lúa cho nhánh to, cứng cáp, dễ thu hoạch, ít bị hao hụt, tiết kiệm chi phí đáng kể và giảm tác động môi trường.

Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi ở xã Long Đức, huyện Long Phú, với diện tích 609 ha sản xuất hai vụ lúa/năm. Để xây dựng mô hình cánh đồng lớn, Hợp tác xã Hưng Lợi tập trung triển khai canh tác lúa thông minh, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến.

Góp 4 ha lúa tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi sáu năm qua, ông Phạm Hoàng Trân nói rằng, giờ mới hiểu được sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm, chất thải như một nguồn nguyên liệu cho một chu kỳ sản xuất khác tiếp.

Đồng thời áp dụng đúng quy trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm", nhờ đó chi phí đầu vào giảm và năng suất lúa tăng. Nhờ vậy lợi nhuận sau thu hoạch cũng cao hơn so với các hộ bên ngoài. Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi Trương Văn Hùng cho biết, có hơn 95% thành viên đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng"; "1 phải, 5 giảm".

Qua đó, với lượng giống gieo sạ giảm còn 80 - 100kg/ha, lượng phân bón, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 3- lần phun so với quy trình canh tác trước đây. Đồng thời có áp dụng kỹ thuật quản lý nước ướt-khô xen kẽ, tình trạng đốt rơm rạ giảm chỉ còn 1-2% diện tích, còn lại hầu hết diện tích đều tái sử dụng rơm rạ sử dụng máy cuốn rơm để bán rơm. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm, năng suất cao hơn từ 500-700kg/ha, thu nhập, lợi nhuận bình quân từ đó được nâng cao.