Số vụ tranh chấp nguồn nước tăng mạnh trên toàn cầu

Theo dữ liệu nghiên cứu do Viện Thái Bình Dương (Mỹ) mới công bố, trong thập kỷ qua, xung đột liên quan đến nguồn nước trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, với 347 vụ trong năm ngoái và là con số cao kỷ lục.
0:00 / 0:00
0:00
Đập thủy điện Đại Phục Hưng tại Guba, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đập thủy điện Đại Phục Hưng tại Guba, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các dữ liệu cho thấy số vụ xung đột vượt xa con số 231 vụ trong năm 2022 và tiếp nối xu hướng tăng trong thập kỷ qua. Các dữ liệu chỉ ra rằng tranh chấp bắt nguồn từ các vụ tranh cãi về nguồn nước, các hoạt động biểu tình phản đối việc thiếu nước sạch.

Sau đó, những vụ việc này bùng phát trở thành bạo lực và xảy ra với tần suất đáng báo động. Các cơ sở hạ tầng nguồn nước đang trở thành mục tiêu trong các cuộc xung đột trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đưa các vụ tranh chấp vào 3 dạng gồm nước và hệ thống nước trở thành nguồn cơn dẫn đến bạo lực, nguồn cung và hệ thống cơ sở hạ tầng bị lợi dụng làm "vũ khí", hoặc trở thành mục tiêu của bạo lực.

Ông Peter Gleick, đồng sáng lập và nghiên cứu viên cao cấp của Viện Thái Bình Dương, đã bày tỏ quan ngại về xu hướng này. Bạo lực gia tăng phản ánh sự tranh chấp thường xuyên trong việc kiểm soát, tiếp cận nguồn nước đang dần khan hiếm trên toàn cầu.

Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm này là dân số tăng lên, biến đổi khí hậu, cũng như các vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng nguồn nước tại những nơi xung đột và bạo lực lan rộng, đặc biệt là tại Trung Đông và Ukraine.