Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Công trình và Nhà ở công cộng Indonesia Basuki Hadimuljono nhấn mạnh, hợp tác trên phạm vi toàn cầu là chìa khóa để bảo vệ nguồn nước vì sự thịnh vượng chung. Ông Basuki cho rằng các quốc gia cần đạt chuẩn các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc thông qua những chương trình hợp tác để hiện thực hóa khả năng tiếp cận công bằng với nước sạch và vệ sinh vào năm 2030.
Dự báo đến năm 2035, có khoảng 3 tỷ người đối mặt tình trạng thiếu nước sạch; đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên tới 3,9 tỷ người - nghĩa là cứ năm người trên thế giới sẽ có hơn hai người phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch.
Việc tiếp cận nước sạch là quyền cơ bản của con người và mọi người dân trên thế giới đều có quyền tiếp cận bình đẳng với nguồn tài nguyên này. Nước là nguồn tài nguyên khan hiếm, song con người lại đang sử dụng lãng phí khoảng 35%-40% lượng nước có được; hơn 30% lượng nước uống được sản xuất không tới tay người tiêu dùng. Hiện có 2,1 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để dùng.
Dự báo đến năm 2035, có khoảng 3 tỷ người đối mặt tình trạng thiếu nước sạch; đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên tới 3,9 tỷ người - nghĩa là cứ năm người trên thế giới sẽ có hơn hai người phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch. Nguồn nước ô nhiễm, kém chất lượng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết của hàng triệu người mỗi năm và là gánh nặng đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Việc đáp ứng các mục tiêu về nước uống và vệ sinh phù hợp có thể tiết kiệm 10% chi phí chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Thiếu tiếp cận nước uống an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản, vệ sinh môi trường cùng với tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với cộng đồng quốc tế, nhất là các nước nghèo và đang phát triển. Những sự cố thiên tai liên quan nguồn nước ngày càng tăng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa, dân số tăng, hạn hán, sa mạc hóa… khiến khả năng quản lý tài nguyên nước ngày càng khó khăn.
Chính vì vậy, Thập kỷ hành động “Nước vì phát triển bền vững” 2018-2028 được Liên hợp quốc phát động năm 2018, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin về nước, bảo vệ các nguồn nước, tăng đầu tư nghiên cứu về nước, tăng cường quan tâm các nhóm người dễ bị tổn thương trong tiếp cận nước… Thập kỷ hành động “Nước vì phát triển bền vững” còn hướng tới mục tiêu mở rộng các cuộc đối thoại giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Các nguồn nước không được quản lý tốt sẽ tác động tới sức khỏe của người dân và hoạt động canh tác, đẩy giá lương thực lên cao, qua đó có nguy cơ thổi bùng những xung đột và làn sóng di cư. Trước sức ép của dân số tăng và phát triển kinh tế, nguồn nước ngày càng bị khai thác triệt để và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, cùng với nhu cầu về nước sạch gia tăng, chất lượng nguồn nước sụt giảm đang đặt ra những thách thức toàn cầu. Ngoài ra, với khoảng 2 tỷ tấn rác thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người đang phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm trên khắp thế giới.
Theo các chuyên gia, để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng, các chính phủ và người dân cần đánh giá lại cách sử dụng, phân bổ nguồn nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu. Thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước, chúng ta phải tiết kiệm, điều chỉnh lại nhu cầu cho phù hợp nguồn cung có hạn và đang dần bị thu hẹp, đồng thời áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước.