Ngày 29/11, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập hiệp hội; kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11).
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho lực lượng chức năng.
Những giải pháp chống giả theo công nghệ số bây giờ rất bảo đảm và bảo mật. Sau nhiều lần nghiên cứu, Hiệp hội đã tìm ra nhiều giải pháp như giải pháp Vatapcheck.vn; bên cạnh mã QR, hiệp hội còn có cả một phần mềm chống giả…
Tính từ năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý gần 3.700 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong tổng số trên 139.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chiếm tỷ lệ 2,6%; năm 2023, tỷ lệ này chiếm 3,7% và 9 tháng đầu năm 2024, chiếm tỷ lệ 4,1%.
Từ kết quả trên cho thấy, số vụ việc phát hiện và xử lý về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý tăng dần qua các năm, thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành.
Ngày 29/11 hằng năm được Chính phủ chọn là Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật; sự chủ động của doanh nghiệp-chủ thể quyền trong bảo vệ sản phẩm thì còn rất cần ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng trong cập nhật thông tin, kiến thức để lựa chọn các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng.
Quang cảnh chương trình kỷ niệm. |
Chia sẻ tại chương trình, bà Lê Thị Hoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Vườn Táo cổ cho biết, khi ra mắt sản phẩm thuần Việt là Cao trà mục nhan, bà rất quan tâm đến vấn đề quyền sáng chế. Mỗi sản phẩm được chau chuốt, kỳ công từ vùng nguyên liệu cho đến kỹ thuật, công nghệ để chiết suất. Do đó, việc bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, chú trọng. Vì thế, bà đã đăng ký bảo hộ thương hiệu và có tem chống hàng giả khi phân phối sản phẩm ra thị trường.
Tại chương trình, đại diện các doanh nghiệp nhấn mạnh, việc bảo vệ thương hiệu là điều rất quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Đó là cách doanh nghiệp chủ động chống lại hàng giả, hàng nhái, bảo đảm uy tín, chất lượng cho thương hiệu sản phẩm của mình. Với cách làm này, các doanh nghiệp góp phần vào công cuộc chống hàng giả, hàng nhái gặp nhiều thách thức như hiện nay.
Theo đó, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả; phần mềm truy xuất nguồn gốc dần trở thành xu thế tất yếu. Thông qua các giải pháp này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng. Song song với đó, người tiêu dùng cũng ý thức hơn việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.