Người tiêu dùng “thỏa hiệp”
Chiều 25/12/2023, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Cục QLTT TP Hà Nội, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiểm tra kho hàng của người bán hàng livestream Nguyễn Hoàng Mai Ly tại khu đô thị Đô Nghĩa (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội). Tại đây lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn đơn hàng đã và đang được đóng gói để gửi tới các khách hàng đã “chốt đơn” trong phiên livestream trước đó. Mỗi đơn hàng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Theo thông tin từ Tổng cục QLLT, kho hàng trên có giá trị khoảng
19 tỷ đồng, đa phần là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt.
Trước đó, đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng QLTT đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng chất lượng kém, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Để kiểm tra cơ sở này, lực lượng QLTT đã mất hàng nghìn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng nhãn mác nước ngoài có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng được chất ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa sâu bên hông khu vực nhà ở.
Bán hàng online là các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Cùng với sự phát triển của các kênh bán hàng online, thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng bùng nổ, biểu hiện qua các kho hàng bị phát hiện có số lượng sản phẩm từ vài nghìn đã lên đến hàng trăm nghìn sản phẩm. Tổng cục QLTT cho rằng, một trong những lý do để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tồn tại là do một bộ phận người tiêu dùng dễ “bằng lòng” và thỏa hiệp với hàng giá rẻ, mẫu mã bắt mắt bởi tâm lý sính... “hàng hiệu giá mềm”.
Dùng công nghệ, quản công nghệ
Kể từ sau khi đại dịch Covid-19, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến nhiều tiểu thương chuyển dịch hình thức kinh doanh sang bán hàng online. Năm 2023, doanh thu TMĐT ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so thời điểm trước dịch năm 2019, khoảng 10,8 tỷ USD.
Song song với sự tăng trưởng của thị trường TMĐT là sự gia tăng các hành vi vi phạm trên không gian mạng, như bán hàng giả của các nhãn hiệu lớn từ các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm cho đến đồ gia dụng, đồ điện tử. Nghiêm trọng hơn, còn xuất hiện cả tình trạng rao bán công cụ hỗ trợ, các thiết bị nghe lén, quay lén, định vị, phá sóng... đang diễn ra tràn lan.
Số liệu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục QLTT. Trong năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so năm 2022). Riêng lĩnh vực TMĐT, toàn lực lượng đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, việc ngăn chặn hàng giả trên TMĐT sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong thời gian vài năm tới. Tuy nhiên, để ngăn chặn những hành vi vi phạm này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lực lượng QLTT, đồng thời cũng cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng như công an, biên phòng, hải quan và các sàn TMĐT.
Ngoài ra, việc phối hợp xử lý các mặt hàng này trên môi trường TMĐT cũng cần sự vào cuộc của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương). Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, TMĐT, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên TMĐT.
Việc ứng dụng các công nghệ chống hàng giả là việc làm cần sớm hiện thực hóa nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống gian lận thương mại. Điều đó cũng sẽ giúp các cơ quan thực thi truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác; phát hiện, loại bỏ những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, cũng là bảo vệ môi trường đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thừa nhận, việc phối hợp giữa lực lượng QLTT và Hải quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên TMĐT chỉ khoảng 5%, còn khá thấp so thực trạng hiện nay. Do vậy, thời gian tới, hai bên sẽ cần lực lượng đẩy mạnh công tác phối hợp hơn nữa trong điều tra, truy vết, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái.