Số ca lao tại Đồng Tháp xếp thứ 5 cả nước

NDO - Dịch tễ lao ở tỉnh Đồng Tháp còn rất cao. Sự hiểu biết về bệnh lao trong cộng đồng còn hạn chế, phần lớn các ca phát hiện bệnh lao trễ, bệnh có dấu hiệu nặng và có bệnh lý đi kèm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Sáng 7/5, tại thành phố Cao Lãnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị về phương hướng triển khai kế hoạch phòng, chống lao giai đoạn 2024-2025, tiến tới chấm dứt bệnh lao tại tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin tình hình triển khai công tác phòng, chống lao, giai đoạn 2020-2023 tại tỉnh Đồng Tháp, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Phổi Đồng Tháp cho biết, qua đánh giá thực tế, công tác phát hiện lao hiện mắc tại cộng đồng tại Đồng Tháp chỉ khoảng 60-70%, còn lại là bệnh nhân lao lưu hành tại cộng đồng chưa phát hiện, tiếp tục là nguồn lây cho cộng đồng.

Các chỉ số để đáp ứng được lộ trình thanh toán bệnh lao thì hiện tại Đồng Tháp chưa thực hiện được. Do đó, để tham gia chiến lược thanh toán bệnh lao vào năm 2035, tỉnh phải tăng cường phát hiện ca mắc lao hiện mắc tại cộng đồng hơn 80% và điều trị thành công luôn hơn 85%, thì những năm tiếp theo bệnh nhân lao sẽ giảm 5-10% mỗi năm, từ đó từng bước thực hiện lộ trình thanh toán bệnh lao vào năm 2035.

Số ca lao của tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 5 trong số các tỉnh/thành phố có tỷ lệ lao cao nhất cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Thành phố Hà Nội và Đồng Nai.

Năm 2023 là năm phát hiện, thu dung số bệnh nhân lao cao nhất so với 10 năm gần đây ở Đồng Tháp, với 3.691 ca lao, trong đó lao nhạy cảm là 3.338 ca, lao đa kháng thuốc là 87 ca, lao tiềm ẩn là 266 ca. Qua đây cho thấy hiệu quả của việc tầm soát lao chủ động đã triển khai.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mặc dù đã đạt được một số thành quả, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống lao.

“Dịch tễ lao ở tỉnh còn rất cao. Người dân còn kỳ thị về bệnh lao; Sự hiểu biết về bệnh lao trong cộng đồng còn hạn chế, phần lớn các ca phát hiện bệnh lao đến phát hiện bị trễ, bệnh có dấu hiệu nặng và có bệnh lý đi kèm.

Việc tư vấn đưa vào điều trị đối với nhóm đối tượng lao tiềm ẩn, đặc biệt là lao ở trẻ em còn thấp so với chẩn đoán (chỉ khoảng 78% số ca được phát hiện được đưa vào điều trị). Kinh phí cho công tác phòng, chống lao còn chưa đầy đủ để tiến tới phát hiện đạt đến 80% số ca lao mắc mới”, bác sĩ Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.

Số ca lao tại Đồng Tháp xếp thứ 5 cả nước ảnh 2
Bác sĩ Trương Thị Thanh Huyền, đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Thị Thanh Huyền, đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, dịch bệnh lao ở Đồng Tháp vẫn còn rất nặng nề.

Tại Đồng Tháp, công tác phòng, chống lao càng đẩy mạnh thì phát hiện càng nhiều ca bệnh, chứng tỏ bệnh nhân lao còn đâu đó trong cộng đồng.

Cũng nhờ làm tốt công tác phòng, chống lao mà gần đây, ngành Y tế Đồng Tháp phát hiện được nhiều hơn, sớm hơn, từ đó sớm điều trị, cắt đứt được nguồn lây trong cộng đồng.

Đối với công tác phòng, chống lao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024-2025, bác sĩ Trương Thị Thanh Huyền khuyến nghị tỉnh tiếp tục nghiêm túc thực hiện chỉ đạo theo Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao.

Tại hội nghị, đại biểu cũng tập trung thảo luận các giải pháp và các bước tiếp theo nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống lao tại tỉnh Đồng tháp, tiến tới chấm dứt bệnh lao, trong đó có thủ tục và lộ trình xây dựng kế hoạch chiến lược phòng, chống lao tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2026-2030; sự tham gia của cộng đồng và các ban, ngành đảm bảo hỗ trợ hoạt động phòng, chống lao tại cộng đồng…