Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24/3)

Chung sức để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24/3), Việt Nam đưa ra chủ đề là "Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao", như một lời hồi đáp, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất trong công tác phòng chống lao; đồng thời khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.
0:00 / 0:00
0:00
Khám và điều trị cho người mắc bệnh lao tại Bệnh viện Phổi trung ương.
Khám và điều trị cho người mắc bệnh lao tại Bệnh viện Phổi trung ương.

Ngày 24/3/1882 tại Berlin (Đức), Robert Koch công bố phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này. Ngày 24/3 hằng năm đã được lấy làm Ngày thế giới phòng chống lao, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe, kinh tế-xã hội; thúc đẩy những nỗ lực chấm dứt bệnh lao. Thế nhưng đến nay, đã 142 năm kể từ ngày phát hiện ra vi khuẩn lao, bệnh lao vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Công tác phòng chống lao trên thế giới bước sang một trang mới sau thành công Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao được tổ chức vào tháng 9/2023 với sự tham gia của các quốc gia thành viên, thể hiện cam kết chính trị, tinh thần quyết tâm cao nhất trong cuộc chiến phòng chống lao.

Công tác phòng chống lao trên toàn cầu đã ghi nhận sự hồi phục, khi năm 2022 toàn thế giới phát hiện 7,5 triệu người mắc mới, số lượng phát hiện và đưa vào điều trị cao nhất trong một năm so với những năm trước đây.

Phát huy kết quả tích cực và những hiệu ứng thu được từ chủ đề phòng chống lao năm 2023, năm 2024 chủ đề phòng chống lao trên thế giới được giữ nguyên "Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao".

Sự hồi phục của công tác phòng chống lao trên toàn cầu nhất là ở các quốc gia còn gánh nặng bệnh lao cao nhất trong năm 2022 và 2023 là cơ sở để toàn thế giới tiếp tục tin tưởng vào mục tiêu chấm dứt trên toàn cầu. Nếu các quốc gia tuân thủ các cam kết của mình sẽ giúp cứu sống khoảng 45 triệu người trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến 2027.

Trên cơ sở chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao, Bộ Y tế, Chương trình chống lao đưa ra chủ đề "Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao" như một lời hồi đáp, hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới và khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng trong công tác phòng chống bệnh lao; đồng thời tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt căn bệnh này tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Với chủ đề này, Bộ Y tế, Chương trình chống lao quốc gia kêu gọi sự tham gia hưởng ứng tích cực, sự ủng hộ của các bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để tập trung nguồn lực, bảo đảm nguồn tài chính bền vững để tăng cường phát hiện, điều trị cho người mắc bệnh lao.

Việc mở rộng phối hợp y tế công tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán ở các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống chương trình chống lao quốc gia cũng là một can thiệp quan trọng cần đầu tư.

Để đạt mục tiêu kết thúc bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 cần có sự đồng lòng, nỗ lực của các ngành liên quan và chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, nhất là khi dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn khá nặng nề, tốc độ giảm chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp, lại đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.

Việt Nam hiện đang xếp thứ 11 trong số 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Năm 2023, ước tính cả nước có thêm 172 nghìn người mắc và khoảng 13 nghìn người tử vong do bệnh này (cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông); 9.200 trường hợp lao đa kháng thuốc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị...

Số người mắc lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể). Như vậy, vẫn còn gần 40% số bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị.

Thời gian tới, ngành y tế triển khai tối đa các chiến lược/chính sách hiện có, đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao.

Đồng thời nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc-xin mới cũng như các can thiệp/tiếp cận mới nhằm phát hiện điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.

Bên cạnh các giải pháp này, các chuyên gia trong phòng chống lao cho rằng, Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao tiếp tục chỉ đạo sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng hưởng ứng phát hiện sớm, không kỳ thị, mặc cảm và tuân thủ điều trị bệnh lao.

Mặt khác, cần đưa các mục tiêu hoạt động phòng chống lao vào kế hoạch hằng năm của địa phương. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tích cực triển khai công tác bảo trợ xã hội cho người bệnh lao, đưa cấu phần bảo trợ xã hội cho bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, đồng nhiễm lao/HIV vào các nghị định, thông tư quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Bộ Y tế tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của y tế tuyến cơ sở trong đó có cán bộ y tế làm công tác phòng chống lao.

Với 12 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa lao thì cần có mô hình phù hợp cho đơn vị phòng chống lao tuyến tỉnh đủ mạnh để triển khai công tác phòng chống lao trên địa bàn.

Vận dụng có hiệu quả các văn bản hướng dẫn về tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở khám, chữa bệnh, mua sắm thuốc chống lao hàng 1 với kinh phí sử dụng từ quỹ bảo hiểm y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử.

Huy động nguồn lực bền vững trong nước và quốc tế triển khai hiệu quả chiến lược phòng chống lao, đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

Bộ Y tế cũng đã giao Bệnh viện Phổi trung ương xây dựng tài liệu "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế-Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng chống lao.

Sau khi được phê duyệt, Chương trình chống lao quốc gia sẽ sớm phổ biến triển khai các nội dung của cuốn tài liệu này trên phạm vi toàn quốc.

Đây cũng là cơ sở để các tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.