Tiếp đoàn giảng viên, sinh viên Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam học tập thực tế tại Báo Nhân Dân, có ông Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị-Xã hội, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân; ông Tạ Quang Dũng, Trưởng Ban Quản lý phóng viên thường trú; ông Vũ Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân; bà Doãn Trà My, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin; ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử.
Đoàn giảng viên, sinh viên Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam tham quan Nhà Truyền thống Báo Nhân Dân. |
Dẫn đoàn sinh viên tham quan Nhà Truyền thống, ông Phạm Song Hà đã giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Báo Nhân Dân. Từ khi ra số đầu vào ngày 11/3/1951 đến nay, Báo Nhân Dân đã không ngừng lớn mạnh và luôn giữ vị thế là lá cờ đầu trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Phạm Song Hà cho biết, đến nay Báo Nhân Dân đã xây dựng đầy đủ loại hình báo chí (báo in, điện tử, truyền hình, radio) với phương châm "nơi nào có nhân dân, nơi đó có Báo Nhân Dân". Để tiếp cận đông đảo bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ, Báo đang tập trung đẩy mạnh thông tin trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok...
Các sinh viên chăm chú nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Báo Nhân Dân. |
Tiếp đoàn sinh viên tới tham quan mô hình tòa soạn hội tụ, ông Ngô Việt Anh cho biết, trong 3 năm qua, Báo Nhân Dân đã quyết tâm chuyển đổi số với định hướng trở thành một trong những cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của Việt Nam.
Trong đó, xây dựng tòa soạn hội tụ hiện đại là một trong giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động báo chí.
Giảng viên, sinh viên Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam tới thăm tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử. |
Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử giúp tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Với không gian làm việc mở, tòa soạn hội tụ cũng sẽ tăng tính tương tác, tạo cảm hứng sáng tạo cho những người làm báo Đảng.
Tòa soạn hội tụ được xây dựng trên khu vực có diện tích hơn 400m2. Đây là nơi làm việc của hơn 70 cán bộ, phóng viên, biên tập viên phục vụ ấn phẩm 6 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Tây Ban Nha) trên Báo Nhân Dân điện tử. Ngoài khu vực chung, tòa soạn còn có khu vực làm việc ngoài trời được bài trí hiện đại, thoáng đãng.
Ông Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị-Xã hội, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên. |
Thay mặt Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam, Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc, Chủ nhiệm Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, cảm ơn sự tiếp đón chu đáo Báo Nhân Dân dành cho các giảng viên và sinh viên. Các thành viên trong đoàn học tập thực tế tại Báo Nhân Dân bày tỏ ấn tượng trước những đổi mới, sáng tạo của cơ quan báo Đảng.
Trong phần hỏi-đáp, giao lưu giữa Báo Nhân Dân và Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam, một số sinh viên đã hào hứng chia sẻ trải nghiệm khi các em cắt ghép, tương tác với phụ trương đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây cũng là nguồn cảm hứng thôi thúc các em tìm hiểu về Báo Nhân Dân, cơ quan báo chí đã phát hành ấn phẩm đang được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Thành công của phụ trương tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" là thí dụ sinh động về việc một cơ quan báo chí truyền thống có thể bắt kịp các xu hướng báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, đồng thời tuyên truyền về lịch sử dân tộc một cách hấp dẫn, sáng tạo.
Ông Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị-Xã hội, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân
Sinh viên Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam sôi nổi đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Cảm ơn tình cảm các em sinh viên dành cho Báo Nhân Dân, ông Phạm Song Hà nhấn mạnh, thành công của phụ trương tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" là thí dụ sinh động về việc một cơ quan báo chí truyền thống có thể bắt kịp các xu hướng báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, đồng thời tuyên truyền về lịch sử dân tộc một cách hấp dẫn, sáng tạo.
Trả lời câu hỏi về những kỹ năng của phóng viên trong kỷ nguyên số, các lãnh đạo, cán bộ của Báo Nhân Dân có mặt tại buổi giao lưu đều khẳng định, tích hợp các kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện là điều không thể thiếu. Hiện nay, nhiều phóng viên của Báo Nhân Dân có thể viết bài, chụp ảnh, quay video, thiết kế đồ họa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... trong quá trình tác nghiệp.
Phóng viên thường trú tại các địa phương có nhiệm vụ sản xuất tin, bài cho tất cả các ấn phẩm theo chỉ đạo của Ban Biên tập, vì vậy mỗi phóng viên đều phải trở thành "phóng viên đa phương tiện".
Ngoài ra, thế mạnh của Báo Nhân Dân là các phóng viên, biên tập viên có thể tự đào tạo, hỗ trợ, tương tác với nhau hiệu quả. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, các ấn phẩm của Báo đã có sự thay đổi nhanh chóng và ấn tượng về cả nội dung và hình thức.
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc cảm ơn sự tiếp đón chu đáo Báo Nhân Dân dành cho các giảng viên và sinh viên. |
Kết thúc buổi học tập thực tế, Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc bày tỏ mong muốn trong tương lai gần, sinh viên của Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam sẽ có cơ hội được tham gia các dự án báo chí-truyền thông của Báo Nhân Dân để được học hỏi thêm và trau dồi kiến thức từ cơ quan báo Đảng.
Một số hình ảnh sinh viên của Trung tâm liên kết đào tạo FPT Swinburne Vietnam tương tác với tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ":