Ngày 19/12, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhóm sinh viên Khoa Cơ khí gồm 2 sinh viên Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng (Lớp 19C1) đã tham gia và đạt giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc - Euréka lần 24 năm 2022.
Đây là giải thưởng cao quý dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên trên toàn quốc.
Vượt qua hơn 1200 đề tài từ 120 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc dự thi, nhóm sinh viên Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng với đề tài “Nghiên cứu thiết bị hỗ trợ người bị run tay” xuất sắc giành giải Nhì.
Đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực kĩ thuật công nghệ, là một loại hình nghiên cứu ứng dụng trên cơ thể người đặc biệt là ở tay.
Nghiên cứu chủ ý muốn hướng tới bệnh nhân bị bệnh lý rung tay chân Parkinson mà thay vì dùng thuốc điều trị có thể dùng thiết bị này để hạn chế rung động ở tay trong quá trình làm việc cũng như các quá trình nghỉ ngơi khác. Đề tài đã được Trung tâm y tế quận Sơn Trà đánh giá cao và có khả năng ứng dụng trên bệnh nhân bị bệnh run tay.
Để thực hiện để tài này, ngoài sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bảo, nhóm đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ tận tình của Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường và Tiến sĩ Hồ Trần Anh Ngọc, Trưởng Khoa Cơ khí.
Trước khi hoàn thiện sản phẩm, nhóm đã đi thực tế khảo sát, tìm hiều về người bệnh Parkinson ở một số bệnh viện, trung tâm y tế tại thành phố Đà Nẵng.
Các em đã tiếp xúc với người bệnh, quan sát các biểu hiện của người bệnh để tìm ra giải pháp hữu ích nhất cho đề tài nghiên cứu, làm sao để có thể giúp người bệnh giảm bớt đau, bớt run tay...
Sinh viên Bạch Ngọc Bích Đào, lớp 19C1, khoa Cơ khí, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Nhóm em triển khai đề tài, từ tháng 2-5/2022 là cho ra sản phẩm demo, rồi tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dần.
Thiết bị sử dụng moment quán tính con quay hồi chuyển, hoạt động dựa trên nguyên tắc moment động lượng. Các đĩa quay giống như bánh đà bên trong con quay hồi chuyển sẽ hấp thụ các lực nhiễu (run tay). Do đó, sẽ làm giảm đáng kể hiện tượng run tay.
Thiết bị được thiết kế để hấp thụ rung cho tay của bệnh nhân bao gồm: một con quay hồi chuyển, một động cơ-moter, khung nhôm (vỏ máy trên, đế máy, hộp động cơ trên, hộp động cơ dưới), ổ bi, pin, vít và quai đeo tay.
Để đánh giá hiệu quả, nhóm sử dụng 2 cảm biến đo dao động tần số 3-7Hz, phân tích trên máy đo hình sin. Khi thử nghiệm sản phẩm trên 2 bệnh nhân Parkinson, nhóm nhận thấy mức độ run tay của họ giảm 70%, có thể cầm nắm những vật nhỏ như điện thoại, bút.
Đào tạo gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên là mục tiêu các trường đại học hướng tới, đây cũng là những sân chơi trí tuệ để sinh viên phát huy tối đa khả năng nghiên cứu, sáng tạo, đặc biệt nghiên cứu các sản phẩm có thể ứng dụng trong thực tế.