Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/2006/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (viết tắt là Chiến lược) mở ra một giai đoạn mới để NLNT phát huy tiềm năng và có những đóng góp hiệu quả hơn cho đất nước. Ngày 3-6-2008, Quốc hội ban hành Luật NLNT tạo hành lang pháp lý cho nghiên cứu, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh lĩnh vực NLNT. Thực hiện Chiến lược, đến nay, các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị, điện quang đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hình thành từ Trung ương tới địa phương. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), đến cuối năm 2020, cả nước có 40 cơ sở y học hạt nhân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn; có khoảng 52 thiết bị xạ hình, đạt tỷ lệ khoảng 0,55 máy/một triệu dân. Cả nước có 42 cơ sở xạ trị, với 96 thiết bị xạ trị, đạt tỷ lệ một thiết bị/một triệu dân; có khoảng 8.770 thiết bị X-quang, gần 900 máy chụp cắt lớp vi tính, 280 máy chụp cộng hưởng từ và hơn 70 máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA. Với số lượng quy mô máy móc, trang thiết bị gia tăng như nêu trên, việc sử dụng dược chất phóng xạ cũng tăng cao. Viện Nghiên cứu hạt nhân (thuộc Viện NLNT Việt Nam, Bộ KH và CN) đã vận hành lò phản ứng hạt nhân Ðà Lạt, cung cấp đồng vị và dược chất phóng xạ, đáp ứng đủ nhu cầu cho các cơ sở y học hạt nhân trên cả nước.
TS Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng NLNT (Bộ KH và CN) cho biết: Ứng dụng NLNT trong lĩnh vực y tế giúp phát hiện, chẩn đoán, điều trị các ca bệnh hiểm nghèo. Nhiều kỹ thuật điều trị y học hạt nhân hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế đã được triển khai tại Việt Nam như: Ðiều trị ung thư tế bào gan (HCC) bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các hạt vi cầu phóng xạ; điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng gắn đồng vị phóng xạ; cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt; xạ hình SPECT tưới máu cơ tim; đánh giá cơ tim sống sót bằng chụp FDG PET/CT; chụp xạ hình hạch gác và sử dụng đầu dò gamma trong phẫu thuật ung thư vú; chụp xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan... Nhờ đó, nhiều người không phải ra nước ngoài để chẩn đoán, điều trị.
Ðáng chú ý, tại một số bệnh viện lớn như: Chợ Rẫy, Trung ương Huế, K và Trung ương quân đội 108 đã đưa vào sử dụng hệ thống máy gia tốc xạ trị LINAC thế hệ mới cho phép thực hiện nhiều kỹ thuật xạ trị tiên tiến, giúp điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh ung thư, như: Vòm họng, thực quản, cổ tử cung, phổi, tuyến tiền liệt...
Việt Nam được đánh giá là nước ứng dụng NLNT vào hoạt động y tế nhanh nhất trong khu vực, nhất là ở các lĩnh vực: Ðiện quang, y học hạt nhân, xạ trị ung thư. Thời gian tới, nhiều dự án trung tâm y học hạt nhân, xạ trị quy mô lớn sẽ tiếp tục được triển khai, xây dựng nhằm đưa các công nghệ chẩn đoán, điều trị bức xạ tiên tiến của thế giới có mặt tại Việt Nam. TS Trần Bích Ngọc cho rằng, cơ chế, chính sách và hệ thống quản lý vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp điều kiện thực tiễn, nhất là vấn đề quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ có nhiều tiềm năng, triển vọng, nhưng mức độ đầu tư của bộ, ngành và sự quan tâm của doanh nghiệp chưa tương xứng. Cơ chế xã hội hóa đã được áp dụng trong lĩnh vực y tế, nhưng vẫn cần có những giải pháp để phát huy hiệu quả. Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ có nguy cơ thiếu hụt lực lượng chuyên gia, do đó cần tổ chức đào tạo ở trình độ đại học và sau đại học, nhất là cán bộ quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực bức xạ và đồng vị phóng xạ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư kinh phí cho nghiên cứu sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ, nghiên cứu chế tạo trang thiết bị y tế công nghệ cao trên cơ sở phù hợp trình độ công nghệ và năng lực của doanh nghiệp. Việc nghiên cứu dược chất phóng xạ phải gắn liền với đào tạo, huấn luyện cán bộ, chuyển giao và hoàn thiện công nghệ.