Việc sử dụng công nghệ hình ảnh VR và 3D trong y học không mới, vì từ nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng hệ thống cơ quan nội tạng của bệnh nhân thành hình chiếu 3D nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong nghiên cứu và thực hành. Công nghệ VR ngày nay đã phát triển hơn nữa khi được dùng để giả lập các ca phẫu thuật đặc biệt phức tạp, yêu cầu bác sĩ phải lên kế hoạch tỉ mỉ trước khi thực hiện.
Bác sĩ Emily Keshner, GS ngành Vật lý trị liệu tại Bệnh viện Liverpool (Anh) cho biết, VR đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bác sĩ thực hiện những ca phẫu thuật tim hoặc não phức tạp. Trước khi phẫu thuật, nhóm phẫu thuật chụp CT và siêu âm để tạo ra một “mô hình ảo” cực kỳ chi tiết về tình trạng các bộ phận. Các ca mổ đòi hỏi độ chính xác cao, nên việc lên kế hoạch rõ ràng sẽ giảm thiểu rủi ro trong lúc mổ. Ngoài ra, VR còn được sử dụng cho các bệnh nhân nhằm điều trị về tâm lý hoặc bổ trợ cùng các biện pháp gây mê, an thần trước và sau khi phẫu thuật.
Theo bác sĩ Keshner, bệnh viện đã hỗ trợ giảm đau cho các bệnh nhân cao tuổi bằng kính và tai nghe VR. Công nghệ VR còn được chứng minh là làm giảm lo lắng ở bệnh nhân ung thư đang được truyền hóa chất. Các bác sĩ đã ứng dụng bằng cách cho bệnh nhân chơi những trò chơi VR thiết kế riêng để điều hòa và cân bằng cảm xúc trong khi đang tiến hành thủ thuật. Theo nghiên cứu sơ bộ, VR giúp làm giảm tâm lý sợ hãi ở trẻ em khi làm các thủ thuật gây đau đớn như tiêm, chọc tủy…
Cùng nhiều ứng dụng số hóa khác, việc tăng cường sử dụng VR trong trị liệu cũng đang được nghiên cứu phát triển và mở rộng tại các bệnh viện ở Anh. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi có thể giúp bảo vệ và giảm áp lực cho các bác sĩ, nhân viên y tế trong giai đoạn lực lượng này đang phải nỗ lực đối phó với dịch bệnh.