Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình:
Bắt đầu là một ước mơ của doanh nghiệp, FPT đã gắn mình với vận mệnh của đất nước
Tại hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới vừa tổ chức sáng 23/2, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT đã chia sẻ những bài học trong quá trình chinh phục thị trường thế giới. Theo ông Trương Gia Bình, hình ảnh chú chim nhỏ vượt khó khăn để vươn ra biển lớn cũng chính là hình ảnh của tập đoàn FPT.
"Tôi rất vui khi trong lúc tôi đang đứng tại đây, chia sẻ câu chuyện ra biển lớn của FPT tại đây thì ở châu Mỹ, các đồng nghiệp của tôi đang hoàn tất thủ tục mua công ty Intertec - một công ty IT có hơn 20 năm kinh nghiệm", ông Bình chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình cho biết, trước đó, FPT cũng là công ty Công nghệ Việt đầu tiên đã sáp nhập và mua lại (Mergers and Acquisitions - M&A) thành công ở châu Âu khi mua công ty RWE IT Slovakia, và sau đó là Intellinet, LTS…
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại sự kiện. |
"Việc không ngừng mở rộng hợp tác với các đối tác trên toàn cầu là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng tôi có được doanh số 1 tỷ USD trong năm 2022 tại thị trường nước ngoài", người đứng đầu Tập đoàn FPT nói.
"Chúng tôi đã có một giấc mơ tưởng chừng viển vông là in dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ số thế giới, mang các sản phẩm CNTT do Việt Nam sản xuất ra thế giới, và giờ đây, giấc mơ này đã thành hiện thực", ông nói.
Ông Trương Gia Bình kể về hành trình FPT bước chân ra biển lớn từ hơn hai thập kỷ trước, khi Việt Nam chưa có thương hiệu trên toàn cầu, kinh nghiệm là con số 0.
Tháng 1/2000, FPT mở 2 văn phòng đầu tiên tại nước ngoài ở Bangalore và Silicon Valley, thủ phủ phần mềm của Ấn Độ và Mỹ và đầu tư 1 triệu USD. Tuy vậy, trong 2 năm đầu, FPT không ký được một hợp đồng nào, trong khi ngân sách dần cạn kiệt. FPT phải đóng cửa 2 văn phòng tại Mỹ và Ấn Độ.
Ở thời điểm đó, nhiều người FPT đã định dừng lại và buông bỏ ước mơ chinh phục thị trường ngoại. Thế nhưng sau tất cả, FPT vẫn làm đến cùng với niềm tin Ấn Độ làm được thì Việt Nam cũng làm được.
Có những thời điểm, mỗi tháng ông dành một nửa thời gian ở nước ngoài, gặp gỡ hàng chục công ty đối tác nhưng kết quả vẫn hoàn tay trắng.
“Trong một lần gặp IBM, tôi nói nếu ông mua 1 USD phần mềm của tôi thì tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của ông. Nhờ câu nói đó, FPT lần đầu tiên ký được hợp đồng với IBM. Tuy nhỏ thôi nhưng nó động viên tôi bởi nếu IBM mua được thì cớ gì các công ty khác không mua được”, ông Bình kể lại.
Kể về chuyện thâm nhập thị trường Nhật Bản, Chủ tịch FPT cho biết, người Nhật từng từ chối khéo với lý do họ không nói tiếng Anh. Đó là thời điểm ông nhận ra rằng, công ty sẽ tiến xa hơn nếu có nhân sự biết tiếng Nhật. Việc cho nhân viên học tiếng Nhật sau đó đã mở ra cho FPT rất nhiều cơ hội tại thị trường này.
Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài năm 2022 đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT chiếm 43% tổng doanh thu, tăng trưởng khoảng 30%/năm.
"Và chúng tôi không đi một mình khi thành lập VINASA, tập hợp các công ty phần mềm Việt Nam đi cùng nhau khắp thế giới. Ngày hôm nay, chúng ta đã có một ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam với trị giá 5 tỷ USD Mỹ, nguồn nhân lực gần 300.000 kỹ sư CNTT.
10 năm trước, FPT quyết định chuyển hướng sang những công nghệ mới nhất như Cloud, AI, Big Data,… Gần đây nhất, FPT đã tiến vào lĩnh vực ô tô. Đây là một thế giới IT mới, mở ra cơ hội không giới hạn với sự lên ngôi của ô tô điện, xe tự lái.
Ông Bình cho biết, cùng một hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ô-tô tại Đức với 77 nhà máy trên toàn cầu nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp nhà máy thông minh giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics cũng như vận hành từ đó giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng. Và nhà máy đầu tiên triển khai các giải pháp này chính là nhà máy tại Việt Nam.
Sau 3 năm triển khai, đây là nhà máy hiện đại nhất của họ trên toàn cầu và dự kiến sẽ đóng cửa một số nhà máy ở khu vực châu Âu để tập trung đầu tư, mở rộng quy mô cho nhà máy tại Việt Nam này.
Những con số ấn tượng của FPT sau hơn 20 năm chinh phục thị trường nước ngoài. |
Cùng các công ty năng lượng của châu Âu - nơi đang phát triển nhất về năng lượng tái tạo - triển khai các giải pháp công nghệ quản lý điện gió tối ưu hóa hoạt động, bảo trì cho các trang trại năng lượng gió. Giải pháp của FPT đang đc các công ty ở cả châu Âu lẫn Mỹ sử dụng.
Trong lĩnh vực xe ô tô điện, một trong những việc quan trọng của ngành này là việc đặt các trạm sạc trên đường. FPT đang hỗ trợ phát triển các phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc, các phần mềm nhúng chạy trên trạm sạc giải quyết vấn đề tối ưu quản lý, tiêu thụ năng lượng điện.
Theo ông Trương Gia Bình, sau khi thương mại hóa con chip đầu tiên của FPT dùng cho y tế, tập đoàn còn thâm nhập vào nhiều ngành khác như tài chính ngân hàng, sản xuất,… Bằng cách này, năng suất lao động của FPT từ mức trung bình 15.000 USD đã tăng lên 45.000 USD người/năm.
“Giờ đây khi tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, người ta không còn hỏi chúng tôi đến từ đâu mà chỉ hỏi có làm được không, với đơn giá ngang bằng Ấn Độ”, Chủ tịch FPT cho biết.
"Bắt đầu là một ước mơ của doanh nghiệp, trong hành trình biến ước mơ thành hiện thực, FPT đã gắn mình với vận mệnh của đất nước, vươn tầm trở thành một cánh chim đầu đàn của lĩnh vực CNTT của Việt Nam, và mang theo một sứ mệnh cao cả Vươn tầm trí tuệ Việt vì một Việt Nam hùng cường", ông Bình nói.
Theo ông Trương Gia Bình, muốn đi ra nước ngoài, người đứng đầu doanh nghiệp phải đi trước, mở cửa thị trường. Các thị trường không nói tiếng Anh sẽ là những nơi ít cạnh tranh hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số mới, tránh đụng độ với các doanh nghiệp công nghệ số lớn của các cường quốc công nghệ.
Ông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các hiệp hội, tổ chức trong và ngoài nước thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ số. Tận dụng các cơ chế thương mại toàn cầu để tăng cường quảng bá tiếp thị cho các thương hiệu công nghệ số Việt Nam như Diễn đàn WEF, các sự kiện công nghệ quy mô khu vực và toàn cầu.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel:
Doanh nghiệp lớn trở thành "sếu đầu đàn" để dẫn dắt các doanh nghiệp khác, tạo sức mạnh cộng hưởng
Chia sẻ tại hội nghị, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đi ra nước ngoài từ rất sớm với việc thành lập Viettel Global năm 2006. Ngay sau khi tham gia vào thị trường viễn thông, tập đoàn đã xác định Việt Nam tuy có gần 100 triệu dân nhưng để phát triển bền vững lâu dài, cần thị trường phải lớn hơn nữa.
Đến năm 2009, Viettel đã khai trương dịch vụ viễn thông tại Campuchia và Lào. Sau đó là các thị trường ở châu Phi, châu Mỹ như Mozambique, Cameroon, Peru, Burundi và Tanzania,... Trong 10 năm, từ 2009 đến 2018, Viettel đã phát triển tại 10 thị trường.
Ông Thắng cho biết, lãnh đạo Tập đoàn Viettel hiện nay hầu như đều trải qua thời gian làm việc tại thị trường nước ngoài. Đây là môi trường đào tạo thực tiễn rất quan trọng cả về chuyên môn, trui rèn bản lĩnh, xây dựng các mối quan hệ. Học hỏi từ các đối thủ cạnh tranh, từ đó trưởng thành, quay về thị trường trong nước trở thành những lãnh đạo hàng đầu của Tập đoàn, đồng thời cũng là những người thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Tập đoàn.
Con đường chinh phục nước ngoài của Viettel. |
Ông Tào Đức Thắng nói: “Doanh thu bình quân của Viettel Global là 25%, với 5 thị trường giữ vị trí số 1 về thị phần. Có thị trường trong vòng 1 năm đã vươn lên vị trí số 1 (Burundi). Đây là bàn đạp để chúng tôi đưa các thiết bị số của Việt Nam ra thế giới".
Đầu tư ra nước ngoài luôn đi kèm với thách thức và rủi ro. Trước hết đó là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, thể chế chính trị, luật pháp. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ xảy ra tranh chấp pháp lý tại một số thị trường, nhiều nơi thậm chí còn bất ổn chính trị...
Ngoài những thách thức, ra nước ngoài cũng mang đến nhiều cơ hội. Đó là tiềm năng mở rộng thị trường, tạo ra không gian phát triển mới, tạo môi trường đào tạo con người. Đi ra nước ngoài cũng giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho cả Việt Nam và doanh nghiệp, cùng với đó là cơ hội học hỏi khi được thử sức cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu thế giới.
“Năm 2006, Viettel mới là tân binh trên thị trường viễn thông Việt Nam và vẫn còn vô danh với thế giới. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu của chúng tôi đạt 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và số 1 Đông Nam Á về viễn thông. Việc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài cũng là bài học quan trọng để chúng tôi tự tin hơn, góp phần thúc đẩy sự đổi mới tại Việt Nam”, ông Tào Đức Thắng nói.
Người đứng đầu Viettel cho rằng, để bơi ra biển lớn, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải có khát vọng đủ lớn, đủ tự tin, tự hào. Nếu không có khát vọng, sẽ khó thoát khỏi vùng an toàn bởi thị trường nội địa vẫn ổn định, trong khi đi ra nước ngoài nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, phải có sự tự tin rằng người Việt mình có thể làm được.
Chia sẻ bài học ra nước ngoài, ông Thắng khuyên các doanh nghiệp Việt cần khảo sát, đánh giá kỹ về tình hình chính trị, kinh tế xã hội, luật pháp trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, phải tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án
Các doanh nghiệp Việt cũng cần gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, thượng tôn pháp luật, tham gia xây dựng chính sách, kinh doanh nhưng phải gắn liền với lợi ích xã hội.
Người đứng đầu Viettel cho rằng khi đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh việc kinh doanh, các doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích xã hội.
Kinh nghiệm của Viettel là chọn người đứng đầu thị trường vừa có chuyên môn, vừa tháo vát, bản lĩnh. Không chỉ vậy, khi “mang chuông đi đánh xứ người”, phải phát huy vai trò làm chủ của người bản địa để gắn lợi ích công ty với đất nước, người dân địa phương.
Các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài nên thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế xã hội để may đo sản phẩm phù hợp với người dùng sở tại.
Ông Tào Đức Thắng cho biết, sau chiến sự tại Burundi, bất ổn chính trị tại Myanmar, Viettel đã vươn lên số 1 tại những thị trường đó. “Khó khăn sẽ xảy ra nhưng cơ hội luôn có, nếu dễ dàng thì các nước khác đã đầu tư rồi. Phải kiên định, kiên trì vượt qua khó khăn và có niềm tin rằng nếu chúng ta làm đúng, thượng tôn pháp luật thì chúng ta sẽ có cơ hội”, Tổng giám đốc Viettel nói.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đưa ra bốn kiến nghị để giúp doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra biển lớn.
Một là, trên cơ sở Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng, cần có các nghị quyết chuyên đề thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra nước ngoài.
Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp lớn trở thành các "Sếu đầu đàn", dẫn dắt các doanh nghiệp khác tạo sức mạnh cộng hưởng để cùng phát triển.
Ba là, hoàn thiện các cơ sở pháp lý tại Việt Nam để có đủ các quy định cho các hoạt động tại nước ngoài như mua bán sáp nhập, thoái vốn tại nước ngoài.
Bốn là, nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế của quan của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp mở thị trường ; giải quyết các khó khăn vướng mắc.