Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022 là năm các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD, của FPT về CNTT và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD.
Nhiều công ty Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như NTQ Solution, Smart OCS, Rikkeisoft, Omi, VMO. Có những doanh nghiệp ngay từ ngày đầu thành lập đã đặt mục tiêu phát triển công nghệ mới ngang hàng với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, như Kardiachain.
“Chính những doanh nghiệp này, doanh nhân này đã truyền cảm hứng và niềm tin cho chúng ta là chúng ta có thể làm được, có thể chinh phục thị trường nước ngoài. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ “hóa rồng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất, từ đó chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Có năng lực cạnh tranh quốc tế chúng ta mới tồn tại được lâu dài ở thị trường trong nước", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, đi ra nước ngoài là mang tri thức và công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi, để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Đi ra nước ngoài cũng là mở rộng không gian, mở rộng thách thức, mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với sự phát triển mạnh của nhiều công nghệ mới chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên bản đồ thế giới.
Các công ty công nghệ lớn, có tên tuổi trên thế giới đang tập trung phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, các nhu cầu phổ quát, họ tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng.
Vậy con đường nào cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới? ChatGPT trả lời tất cả các thể loại câu hỏi của mọi người, vì thế mới đạt mức trung bình khá. Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn khi mà dữ liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hóa và phù hợp với trình độ hiện tại của chúng ta. Thị trường ở đây vô cùng phong phú và không hề nhỏ.
Bên cạnh cách tiếp cận cá thể hóa, có thể thời đại hóa thông qua sử dụng công nghệ mới nhất để giải những bài toán cũ. Có thể đại chúng hóa bằng cách đưa các sản phẩm công nghệ số hiện đại tới được mọi người dân.
Một thế mạnh rất quan trọng khác của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đa số các công ty này đều do những người Founder (người thành lập) đang điều hành, tức là đang ở thế hệ F0, trong khi các đối thủ cạnh tranh quốc tế thì chủ yếu F1, F2, F3, F4. Sức mạnh của F0 là sức mạnh rất đặc biệt, rất lớn và có một không hai.
Bộ trưởng khẳng định, chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Hội nghị hôm nay là khởi đầu cho chiến dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Nhà nước mở đường rồi người đi trước kéo người đi sau.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số ở nước ngoài, tham mưu cho Chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đi ra nước ngoài, sẽ là chỗ dựa, là cấu nối sát cánh cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp đặt chân đến.
“Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia. Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.