Trên đây là thông tin được ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ trong buổi trao đổi với báo chí mới đây về một số kết quả trong chuyển đổi xanh của Việt Nam cũng như định hướng của Chính phủ trong chuyển đổi xanh.
Ban hành hệ thống tiêu chí xanh cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể
Ông cho biết, cơ chế, chính sách và nền tảng pháp lý cho tăng trưởng xanh đã tương đối đầy đủ, đó là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động bám sát để ban hành kế hoạch hành động của mình, trong ngành mình và trong địa phương mình. “Cho đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động liên quan đến tăng trưởng xanh, đồng thời rất quan tâm công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng xanh”, ông Lê Việt Anh thông tin.
Về khung khổ quốc gia, là cơ quan đầu mối, cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có 3 nội dung trọng tâm mà trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tăng trưởng xanh, trong đó quan trọng hàng đầu là phải ban hành bộ tiêu chí về phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một quốc gia có định hướng về tăng trưởng xanh.
“Chúng ta phải xác định được đâu là xanh để ban hành chính sách trúng đích. Nếu chúng ta không xác định được hành vi nào, hoạt động nào, ngành kinh tế nào được gọi là xanh thì tất cả các cơ chế, chính sách thiết kế ra đều không thể có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để áp dụng”, ông Lê Việt Anh nêu rõ.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa) |
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật trong khi những quy định, quyết định có liên quan tăng trưởng xanh trước đây chủ yếu chỉ mang tính hướng dẫn và không có tính ràng buộc.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định hệ thống ngành kinh tế xanh và tiêu chí phân loại xanh phải được xây dựng dưới hình thức quy phạm pháp luật để bảo đảm áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế và các ngành. Hệ thống ngành kinh tế xanh này được xây dựng trên cơ sở tham khảo rất rõ hướng dẫn xanh của Liên minh châu Âu, ASEAN, Singapore hay Trung Quốc, bám sát các tiêu chuẩn quốc tế về xanh.
“Châu Âu đã áp dụng quy tắc về quản lý carbon xuyên biên giới, cái này có giá trị tổng quát và chúng ta buộc phải tuân theo nếu hàng hóa của chúng ta muốn vào Liên minh châu Âu”, ông Lê Việt Anh nói, đồng thời nhấn mạnh tiêu chuẩn xanh của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với đặc thù và hoàn cảnh trong nước.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng theo hướng này và trình dự thảo lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét, cho ý kiến. Đây cũng là một nội dung mà Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và mong muốn hệ thống ngành kinh tế xanh được ban hành sớm. Ông Lê Việt Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thành sớm hệ thống ngành kinh tế xanh này và ban hành hệ thống tiêu chí xanh cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách cho tăng trưởng xanh
Ban hành cơ chế ưu đãi cụ thể cho các dự án xanh
Về nội dung trọng tâm thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu để ban hành cơ chế ưu đãi cụ thể cho các dự án xanh, kèm theo đề xuất các dự án thí điểm xanh.
Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường Lê Việt Anh, điều này hết sức cần thiết bởi trong khi chưa có khuôn khổ chính sách chung về tăng trưởng xanh thì chúng ta cần phải tạm thực hiện theo hướng có những thí điểm để tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổng hợp được danh mục sơ bộ một số dự án do các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư đề xuất. Kèm theo đó, Bộ cũng đã nghiên cứu để đề ra một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cả hình thức kiến nghị có những trợ cấp nhất định dành cho các dự án thí điểm nhằm giúp các dự án vượt qua rào cản về mặt hành chính, vốn để có thể thực hiện.
Ông Lê Việt Anh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu để ban hành cơ chế ưu đãi cụ thể cho các dự án xanh, kèm theo đề xuất các dự án thí điểm xanh. |
“Trên cơ sở tổng kết những dự án thí điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kiến nghị, nhân rộng những chính sách đã áp dụng hiệu quả, quá trình này đòi hỏi sự đôn đốc, giám sát nghiêm túc của các cơ quan liên quan trong các dự án thí điểm”, ông Lê Việt Anh cho hay.
Một nội dung nữa được ông nhấn mạnh là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho toàn bộ xã hội, cho tất cả hệ thống chính trị cũng như toàn bộ người dân. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng của tăng trưởng xanh là xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Mỗi hành vi của các cá nhân, tổ chức phải hướng đến xanh, phải hạn chế nhất có thể trong việc gây ra phát thải khí nhà kính.
Ông Lê Việt Anh khẳng định, là cơ quan thường trực, đầu mối của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành để triển khai hướng dẫn cụ thể, giám sát, đôn đốc, đánh giá, tổng kết, nhân rộng những mô hình hay, thực tiễn tốt trong thực hiện lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.
Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có những cơ chế trợ cấp cho những hàng hóa, dịch vụ bảo đảm hướng đến xanh. Đồng thời, sẽ phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động của mình, bảo đảm các hoạt động hướng tới tăng trưởng xanh phù hợp với khung khổ quốc gia.
“Các ngành kinh tế có xung đột lợi ích, ngành này với ngành kia nếu không có sự điều phối cụ thể của một cơ quan tham mưu tổng hợp rất dễ khiến các chính sách đi ngược chiều nhau”, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho biết và nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đôn đốc, giám sát để các hành vi, chính sách, cơ chế về tăng trưởng xanh của các bộ, ngành sẽ đi cùng một hướng, bảo đảm tăng trưởng xanh là định hướng của cả quốc gia.