Hơn 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 20 triệu người trong dịch Covid-19
Ngày 9-4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết số 42) về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch, khoảng 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này, với kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 24-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 15/2020) quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tiếp đó, ngày 19-10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42. Trên cơ sở tình hình triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19-10-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020.
Tính đến ngày 25-12-2020, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đã giải ngân hơn 12,8 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ gần 13 triệu người và 30.569 hộ kinh doanh.
755 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 97.626 người lao động, với tổng kinh phí trên 471,88 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân với tổng dư nợ là 27,787 tỷ đồng cho 185 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 7.245 người lao động.
Tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 14,1 triệu lượt đối tượng thông qua chi trả trực tiếp hoặc các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, cho vay vốn để trả lương ngừng việc là 31.522,987 tỷ đồng.
Ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.
Pháp lệnh gồm bảy chương, 58 điều; bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi NCC với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác NCC với cách mạng.
Pháp lệnh năm 2020 bổ sung hai chương mới. Bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn của Pháp lệnh và Nghị định, Thông tư hiện hành. Pháp lệnh cũng nêu rõ nội dung về đối tượng áp dụng, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi NCC với cách mạng, chế độ ưu đãi đối thân nhân và người có liên quan với NCC với cách mạng.
Một số nội dung lớn đáng chú ý như: Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, bổ sung đối tượng NCC và thân nhân như: Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận NCC với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng NCC với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn.
Ước đến cuối năm 2020, nước ta có 99,7% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC.
Tri ân 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Lần đầu tiên, chương trình Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc được tổ chức, với sự có mặt của 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên toàn quốc. Sự kiện diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23 đến 25-7.
Chương trình nhằm tôn vinh các đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - những người mẹ đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc bằng sự hy sinh thầm lặng và vĩ đại. Các mẹ đã hiến dâng những người thân yêu, ruột thịt của mình cho nền độc lập dân tộc. Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ đã trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho các thế hệ đời đời ghi nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc.
Chương trình có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Hà Nội.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,75%
Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm còn khoảng 2,75%, giảm 1% so với cuối năm 2019. Riêng với các huyện nghèo, tỷ lệ này giảm còn dưới 24%, giảm hơn 5% so với cuối năm 2019.
Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh đã giúp Việt Nam về đích trước 10 năm so với mục tiêu Thiên niên kỷ, là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Kết quả tỷ lệ giảm nghèo bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020.
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục ghi dấu ấn
Năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng, với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến thời điểm 31-12-2020, số người tham gia BHXH ước đạt 16,101 triệu người, chiếm khoảng 32,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 327 nghìn người so với năm 2019.
Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,068 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019. Đây là con số thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển đối tượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Con số này đã vượt mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW khi đến hết năm 2021 đạt 1% cho khu vực này và cũng tăng gần gấp năm lần so với năm 2015.
Giáo dục nghề nghiệp tuyển khoảng 2,26 triệu người
Ước cả năm tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,26 triệu người, đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trình độ cao đẳng và trung cấp là 580 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,68 triệu người, trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 1,2 triệu lao động nông thôn.
Con số tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 510 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,68 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 dự kiến đạt 64,5%; trong đó, có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%.