Nhiều ca bệnh ở vùng sâu
Sau hai năm nỗ lực giữ vùng xanh, hiện huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều ca bệnh Covid-19. Từ ca bệnh đầu tiên giữa tháng 9, huyện miền núi đã ghi nhận 16 ca dương tính SARS-CoV-2. Đây là huyện miền núi có ca bệnh Covid-19 nhiều nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Tất cả các ca bệnh đều ở xã vùng sâu Trà Phong, vùng phía tây Trà Bồng (huyện Tây Trà cũ).
Tại khu cách ly tập trung cơ sở 2 Trà Phong, 57 trường hợp liên quan các ca bệnh Covid-19 và có nguy cơ lây lan đang được theo dõi sức khỏe. Cơ sở cách ly này đã có 7 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 sau nhiều ngày theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ Trương Minh Vương, Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, hiện đang tham gia hỗ trợ điều trị tại khu cách ly cho biết, các ca bệnh ghi nhận tại khu cách ly hầu hết là thành viên trong gia đình; trong đó 24 trẻ em được cách ly có nguy cơ cao.
“Có 24 trẻ em ở đây và tôi lo sẽ lây nhiễm chéo. Đối với trẻ dưới 15 tuổi thì sau khi cách ly 7 ngày và hai lần xét nghiệm âm tính thì đưa về nhà. Nhưng cha mẹ các em đang cách ly ở đây không đồng ý nên phải ở lại. Rất lo ngại lây nhiễm cho trẻ em” - Bác sĩ Trương Minh Vương lo lắng.
Ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, huyện Trà Bồng phong tỏa 850 hộ dân với 3.400 nhân khẩu ở bốn thôn Trà Niu, Trà Nga, Trà Kem và Gò Rô thuộc xã Trà Phong. Gần 600 F1, F2 liên quan các ca bệnh Covid-19 được cách ly tại 5 cơ sởtập trung, cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe.
Ở vùng sâu khi điều kiện y tế, cơ sở hạ tầng khó khăn nguy cơ dịch lây lan làng bản nếu không kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, việc chăm lo nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa cũng khó khăn hơn.
“Ở đây có dịch nên bị chặn hết rồi. Gia đình mình cứ thực hiện theo xã hướng dẫn thôi. Trên này không có nhiều thực phẩm mua để dành nên lâu ngày không đi ra ngoài mua thì sẽ thiếu”, bà Hồ Thị Nga, thôn Trà Nga cho biết.
Vừa phòng, chống dịch vừa lo sạt lở
Khu cách ly tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Trà hiện đang cách ly 25 trường hợp F1 nguy cơ cao liên quan dịch Covid-19. Chính quyền địa phương và lực lượng thực phòng, chống Covid-19 vừa quản lý, theo dõi sức khỏe vừa chăm sóc sinh hoạt ăn ở tại chỗ cho người dân trong thời gian cách ly.
Cách khu cách ly tập trung hơn 700m là vùng núi sạt lở cũ với nhiều vết nứt, đất đá đổ xuống. Nguy cơ sạt lở tái diễn đe doạ khu dân cư và cơ sở cách ly tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Trà. Bà Hồ Thị Hoa, ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong lo lắng “Mưa ở đây bắt đầu rồi, thường kéo dài và mưa lớn. Nhà mình ở khu vực này và hay đi qua lại nên cũng lo. Nay phải ở trong nhà không được đi ra đường nên chưa biết mưa bão sẽ làm sao”.
Sau đợt mưa bão số 5 khiến vùng phía tây huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở núi nghiêm trọng. Theo thống kê của huyện Trà Bồng, khu vực phong tỏa Covid-19 vùng tây Trà Bồng có 4 điểm nguy cơ sạt lở núi. Hơn 800 hộ với 3.200 nhân khẩu nằm trong vùng mất an toàn nếu mưa bão xảy ra. Đặc biệt, 245 hộ với 900 người dân đe doạ trực tiếp khi sạt lở núi xảy ra.
Tại huyện miền núi Sơn Tây, nơi thường xuyên sạt lở núi mùa mưa bão lo ngại khi thực hiện song song nhiệm vụ phòng, chống dịch cùng mưa bão, sạt lở núi. Toàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng 23 khu vực, vị trí sạt lở núi. Hơn 1.200 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhiều nhất là các xã Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Dung.
Để bảo đảm an toàn cho nhân dân trong khu vực phong tỏa giữa mùa mưa lũ, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị các phương án di dời, lánh nạn an toàn vừa bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch. Trong đó, di dời dân ở xen ghép với các hộ nhà ở an toàn hơn, bảo đảm giãn cách tối thiểu để phòng, chống dịch; lựa chọn thôn bản xen ghép gần nhau, tránh việc di chuyển xa dễ lây bệnh nếu có ca bệnh đã nhiễm Covid-19.
Huyện Trà Bồng bố trí khoảng 80 trụ sở cơ quan, công trình nhà kiên cố chưa sử dụng sau khi sáp nhập huyện để di dời dân mùa mưa bão và bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ: “Chúng tôi cần hỗ trợ gạo, dự trữ gạo trong mùa mưa bão vì miền núi mà chia cắt thì khắc phục chậm, lâu hơn. Gạo là cần nhất để chống đói cho bà con, nhất là khó khăn chồng chất sau thời gian dài bà con miền núi ảnh hưởng dịch Covid-19”.
Khó khăn nhất ở vùng núi Quảng Ngãi là khu dân cư trải rộng, địa hình cách trở dễ bị chia cắt nếu sạt lở, mưa lũ lớn. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì gánh nặng cho các huyện vùng cao nhiều hơn. Vì vậy, gắn phương án “4 tại chỗ” về lực lượng, hậu cần, vật tư, phương tiện phòng, chống bão lũ cùng phòng dịch Covid-19 được các địa phương nỗ lực thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, địa điểm sơ tán dân chủ yếu là trường học, nhà văn hóa, trụ sở ủy ban xã; các công trình tránh bão, thiên tai còn thiếu trong khi đó số lượng dân vùng nguy cơ sạt lở đông, khó bảo đảm quy định về khoảng cách. Để chủ động thực hiện nhiệm vụ “kép”, địa phương khẩn trương rà soát bổ sung phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch Covid. Trong đó, bổ sung các điểm sơ tán dân tập trung, sơ tán xen ghép để bảo đảm được khoảng cách.
“Chúng tôi vừa lo phòng, chống dịch Covid-19 để giữ vùng xanh, vừa lo mưa bão. Ưu tiên nhất là tìm nhiều khu vực để chủ động đưa dân đến an toàn; kiểm tra bổ sung cơ số thuốc bảo đảm, có phương án bảo đảm y tế, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân tại các điểm sơ tán. Chúng tôi cần hỗ trợ thêm kinh phí, gạo để cấp cho dân nếu mưa lũ kéo dài như những năm trước”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây khẳng định.