Sát cánh cùng nông dân thoát nghèo

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên đến nay chỉ còn 3,02% tổng số hộ, nhưng số lượng còn rất lớn, lên đến hàng chục nghìn hộ. Thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ cơ sở thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở nhiều nơi trong tỉnh đã đồng hành, nỗ lực giúp nhiều hộ thoát nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ sư Vũ Đại Lâm, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát dự án hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
Kỹ sư Vũ Đại Lâm, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát dự án hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Đến nay, cũng như các địa phương khác, số hộ trong diện nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều là những hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; các hộ bị thiếu đất sản xuất, bị khuyết tật, thiếu kiến thức, cá biệt có hộ lười lao động... cho nên chưa thoát được nghèo.

Để hỗ trợ các hộ này thoát nghèo thông qua các dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững, đội ngũ cán bộ ở nhiều xã đã nỗ lực gấp bội, tận tình thực hiện mọi công việc liên quan để hỗ trợ cho người dân.

Kỹ sư Vũ Đại Lâm, cán bộ khuyến nông Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ được biệt phái về xã Văn Lăng nhiều năm qua, được cấp ủy, chính quyền xã phân công thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổ chức triển khai dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo ở địa phương.

Đồng chí Vũ Đại Lâm chia sẻ: “Văn Lăng có địa hình rộng, bị chia cắt bởi sông, suối, đồi núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% dân số, tỷ lệ hộ nghèo còn 30,9%, thiếu đất sản xuất, nhận thức không đồng đều, nhất là kiến thức phát triển sản xuất còn hạn chế, cho nên việc giảm nghèo gặp không ít khó khăn”.

Để triển khai dự án hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo, đồng chí Vũ Đại Lâm tham mưu cho các xóm, lãnh đạo xã bình xét các hộ có điều kiện, thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi, hướng dẫn các tổ lập dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau đó tiến hành tập huấn cho các hộ về kiến thức về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, hướng dẫn các hộ biết khi nào bò động dục để phối giống, làm chuồng, trồng cỏ, đưa đi tham quan, lựa chọn bò giống đưa về chăn nuôi.

Theo đồng chí Vũ Đại Lâm, được đầu tư bò sinh sản, không phải hộ nào cũng tổ chức chăn nuôi tốt, có những hộ, cán bộ phải vào chuồng bò vệ sinh giúp để sau đó bà con làm theo. Khi bò bị ốm hoặc có dấu hiệu bất thường, người dân gọi, cán bộ cũng phải đến ngay để xem xét, chữa trị.

Đồng chí Vũ Đại Lâm tâm sự: “Đến nay các hộ vẫn chưa thoát nghèo là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cho các hộ nghèo, chúng tôi là cán bộ cơ sở nên phải tổ chức thực hiện sự quan tâm đó và triển khai hỗ trợ hộ nghèo một cách thật tâm. Coi việc của dân cũng như việc của mình để sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thực sự có hiệu quả thiết thực cho người dân, đó là thoát được nghèo, duy trì sinh kế bền vững từ con bò ban đầu”.

Các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Nga My, huyện Phú Bình đều coi các đồng chí Ngô Thị Chiến, cán bộ khuyến nông phụ trách xã; Đặng Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã như những người thân.

Chị Dương Thị Hà ở xóm Cầu Cát, xã Nga My chia sẻ: “Chị Chiến, anh Ngọ thường xuyên lui tới thăm, nắm tình hình, động viên gia đình chăm sóc tốt để mỗi năm con bò giống có thể sinh sản một lứa, bê nuôi từ 7-8 tháng xuất bán được, có thể thu được khoảng 10 triệu đồng, từ đó hy vọng thoát nghèo”.

Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, thực hiện các dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất ở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình nắm rõ hoàn cảnh, tình hình triển khai, kết quả, hạn chế trong việc thực hiện giảm nghèo của hầu hết các hộ trong huyện.

Để có thể sâu sát thực tế đến như thế, là do họ được phân công công việc cụ thể, có kiến thức chuyên môn, phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc hỗ trợ hộ nghèo một cách thật tâm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Bình giảm còn 3,03% tổng số hộ.