Chương trình có sự tham gia của đại diện các cơ quan: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng như đại diện các doanh nghiệp.
Các khách mời tham gia tọa đàm có: Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội; TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương); Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam); PGS.TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân); TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân); Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, do điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đại diện lãnh đạo một số Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; Tổng Giám đốc Công ty Samsung Việt Nam tham dự theo hình thức trực tuyến.
Chương trình được đăng tải trực tiếp trên website của Báo Nhân Dân www.nhandan.vn, qua Fanpage Báo Nhân Dân điện tử trên Facebook và mạng xã hội Lotus.
Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới email nhandandientu@nhandan.vn, hoặc qua Fanpage của Báo Nhân Dân https://facebook.com/nhandandientutiengviet/.
Trong năm 2021, thị trường lao động nước ta phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao. Đồng thời, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so quý trước và cùng kỳ do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết quý III, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Quy định giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với những cơ chế, chính sách đề xuất tập trung vào 7 vấn đề lớn. Đó là: (1) Hỗ trợ trực tiếp người lao động (các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm Covid-19…); (2) Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triến sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động; (3) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; (4) Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động; (5) Phát triển bền vững thị trường lao động (hiện đại hoá quản trị thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm có kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu về dân cư); (6) Bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; (7) Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.