Cũng như nhiều nhà nông khác ở xứ này, hằng ngày, lão nông Trần Văn Túy cùng những thành viên trong gia đình đều đặn ra vườn, chăm sóc cây cối. Khi sức khỏe không còn như thời trai trẻ, việc vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nông sản mùa thu hoạch đã trở nên khó khăn đối với ông. Ông tính toán, để đưa một bao phân bón 50 kg qua địa hình đồi dốc lớn của khu vườn, phải tốn rất nhiều sức lực, thời gian. Ví như, để rải 5 tạ phân bón cho khu vườn, riêng để vận chuyển ông đã phải mất 10 ngày.
Sau thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, lão nông Trần Văn Túy đã cho ra đời chiếc máy vận chuyển trên địa hình dốc. “Chiếc máy áp dụng trên những triền đồi có độ dốc lớn, sức người hầu như không thể mang vác. Đơn giản mà hiệu quả”, nhiều nông dân trong vùng đều chung nhận xét, khi vận hành sáng chế của ông Túy.
Ông Túy cho biết, chiếc máy vận chuyển bao gồm động cơ điện, dây cáp, thanh trượt, thùng tải, con lăn (bánh xe). Hệ thống được thiết kế như một tàu lượn, chỉ khác về tốc độ và mục đích sử dụng. Hiện hệ thống tải trong khu vườn khoảng 400m được gia cố bằng các trụ bê-tông cách nhau 3m, bảo đảm sự an toàn. Do địa hình có độ dốc khá lớn, nên ông Túy phải mày mò để thiết kế hệ thống con lăn, gồm 1 con lăn kẹp thùng tải và 2 con kẹp thanh trượt.
Tác dụng của 3 con lăn này chính là làm cho thùng tải di chuyển ổn định, không bị lật khi tải hàng tại các vị trí dốc đứng. Người sử dụng chỉ việc bấm công tắc và mỗi chuyến vận chuyển hơn 700 kg. Ông Túy chia sẻ: “Sáng chế này tiêu tốn khoảng 450 triệu đồng, đây là số tiền khá lớn, nhưng đổi lại, từ nay gia đình tôi không phải mất nhiều sức lao động và hiệu quả mang lại rất cao”.
Khi bắt tay chế tạo hệ thống, ông Túy đã trao đổi với gia đình rằng, xem như không có thu 2 năm điều, mít và việc đầu tư máy móc, nông cụ nhằm giải phóng sức lao động và nhận được sự đồng tình. Để biến ý tưởng thành hiện thực, ông Túy đã nhờ sự trợ giúp rất lớn của con trai làm nghề cơ khí. Sau khi trao đổi, anh Trần Văn Tuyển cùng bố bắt tay thiết kế, khảo sát địa hình, hàn gò từng mối nối, đổ từng trụ cột, lắp từng con lăn để có được hệ thống hoàn chỉnh như hôm nay.
Sáng kiến của lão nông Trần Văn Túy đã được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tặng giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng kiến nhà nông cấp tỉnh. Mới đây, ông Túy cùng con trai lắp đặt thành công hệ thống máy vận chuyển này cho một nhà vườn tại thành phố Đà Lạt. Nhiều nhà vườn có địa hình tương tự, khi biết tin cũng đã tìm đến khu vườn ông Túy để tìm hiểu, lắp đặt. “Mình đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao để sản phẩm có mức giá phù hợp, giúp nông dân giảm sức lao động và tăng hiệu quả”, ông Túy chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mađaguôi Đinh Văn Thái cho biết, địa hình ở xứ này cơ bản là đồi núi, độ dốc khá lớn, nên sáng chế của ông Túy rất phù hợp, thiết thực, mang lại hiệu quả cho nhà vườn. “Nếu được phổ biến, máy sẽ giúp những nhà vườn có độ dốc lớn không còn phải lo nghĩ khi vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Những triền đồi đi lại khó khăn, xưa nay bỏ hoang sẽ xanh tươi cây trái”, ông Thái nói.