Sân khấu cải lương và "phép thử" với đề tài giả tưởng

Khoa học giả tưởng - đề tài lâu nay thường chỉ xuất hiện trong những bộ phim điện ảnh quốc tế, đã bất ngờ được khai thác trên sân khấu cải lương, mang đến nhiều xúc cảm nghệ thuật vừa mới mẻ, vừa thú vị cho người thưởng thức.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở "Cánh cửa khép hờ".
Cảnh trong vở "Cánh cửa khép hờ".

"Cánh cửa khép hờ" là vở diễn mới nhất vừa được tập thể nghệ sĩ Đoàn Cải lương Thể nghiệm - Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt khán giả. Vở do Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên đạo diễn dựa trên kịch bản được anh và tác giả Hoàng Song Việt cùng chắp bút.

"Cánh cửa khép hờ" xoay quanh câu chuyện về cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc sinh con. Người chồng - chủ tịch một tập đoàn với khao khát có được một đứa con siêu phàm, xuất chúng, có thể thay mình đưa doanh nghiệp "cất cánh" đã bắt tay với một giáo sư để tạo ra đứa trẻ đột biến gen. Đúng như mong đợi, con trai của cặp vợ chồng khi lớn lên đã trở thành "siêu nhân" với nhiều nghiên cứu khoa học gây chấn động, có thể biến một bà lão bị liệt nhiều năm thành người cơ khí đi lại được, có thể tạo ra những sản phẩm mô phỏng con người, hay cách dịch chuyển liên hành tinh. Song cũng từ đây đã làm nảy sinh hàng loạt hệ lụy khiến những người liên quan buộc phải trả giá bằng nỗi đau, bi kịch...

Vở diễn chính là lời cảnh tỉnh nhân loại trước các xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo, đồng thời khẳng định mỗi bước tiến của nền văn minh phải luôn song hành, thân thiện với các quy luật của tự nhiên. Mọi tham vọng, tác động làm biến đổi hệ cân bằng sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích vị kỷ cá nhân đều tiềm ẩn những hiểm họa đối với cả thế giới.

Lần đầu dàn dựng vở diễn giả tưởng trên sân khấu cải lương là áp lực không nhỏ với ekip thực hiện, nhưng cũng là cơ hội để những người làm sân khấu truyền thống được thỏa sức phát huy năng lực sáng tạo. Có lẽ đó là lý do khiến ai nấy xem "Cánh cửa khép hờ" đều thấy lạ và thú vị. Lạ vì khó tưởng tượng nổi một loại hình giàu chất trữ tình như cải lương lại có thể ăn khớp, chuyển tải câu chuyện về khoa học viễn tưởng. Và thú vị vì được chứng kiến sự kết hợp giữa ngôn ngữ cải lương truyền thống với cách sử dụng âm thanh, ánh sáng, đồ họa hiện đại để dẫn dắt câu chuyện, tạo nên hình ảnh xã hội trong tương lai đầy sinh động.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, thông điệp mà vở diễn thể hiện là vấn đề đã được anh quan tâm và ấp ủ thực hiện từ lâu. "Trên thực tế, công nghệ AI đang phát triển rất nhanh, mạnh. Dư luận xã hội cũng đã đặt những câu hỏi về tác động của AI đến cuộc sống con người, liệu có làm nhiều nghề biến mất, nhiều người thất nghiệp? Bên cạnh đó là vấn đề về biến đổi gen trong sản xuất thực phẩm, chỉnh sửa gen người trên thế giới... Đây không chỉ là nội dung đáng quan tâm, mà còn là một "phép thử" đối với sân khấu cải lương, nên Nhà hát quyết định thực hiện vở diễn, dù trước đó cả hai tác giả và diễn viên đều lo lắng".

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng chia sẻ, việc thực hiện tác phẩm khẳng định mong muốn của những người làm nghề, dấn bước vào các đề tài hóc búa, đa dạng hóa "thực đơn" nghệ thuật để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, trên cơ sở vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam.

Hướng đến thu hút những người xem trẻ, nhiều đoạn hát cải lương đã được phối bằng nhạc hiện đại. Yếu tố trang phục, công nghệ kết hợp màn hình visual tạo sự linh hoạt trong chuyển cảnh, làm nên không gian sân khấu đẹp, bắt mắt, gợi nhiều hình dung cho người xem về một thế giới giả tưởng nhiều mầu sắc, kỳ bí.

Trong đó, có những cảnh diễn đã tạo được ấn tượng nghệ thuật mạnh cho khán giả, như cảnh đồ họa thực hiện công nghệ biến đổi gen cho đứa trẻ, kết nối liền mạch với cảnh người mẹ sinh con trên sân khấu; hay cảnh người mẹ nói lên khao khát chỉ muốn có được một đứa con khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác... Xen giữa những nỗi đau, những bi kịch được lột tả, vở diễn cũng khéo léo lồng những chi tiết hài hước qua phần đối thoại giữa nhân vật người giúp việc với bà dì, đứa trẻ, giúp vở diễn trở nên nhẹ nhàng, dễ tiếp thu hơn.

Đặc biệt, thử sức ở vở diễn về đề tài hoàn toàn mới, giàu tính triết lý, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có dịp "cháy hết mình" để chứng minh năng lực diễn xuất. Bên cạnh phần vào vai ngọt ngào của Minh Hải (vai Thắng-người bố) và Như Quỳnh (vai Huyền-người mẹ) - hai nghệ sĩ từng gây dấu ấn ở nhiều vở diễn trước đây của Nhà hát, còn cần nói đến phần thể hiện rất chững chạc của nghệ sĩ trẻ Hoàng Tuấn Thịnh (vai Phạm Tân Kỷ Nguyên-người con) khi đã lột tả thành công sự đa dạng về cảm xúc của vai diễn.

Trong vai diễn khá nặng ký là bà Dịu - dì ruột Thắng, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Hà cũng đã cho thấy nhiều nỗ lực để thể hiện tròn vai... Có thể thấy, trên hành trình đi tìm khán giả, cải lương đang không ngừng đổi mới chính mình. Và "Cánh cửa khép hờ" chính là sự thử nghiệm táo bạo, thể hiện nỗ lực dấn thân của cả đội ngũ sáng tạo và biểu diễn nhằm chinh phục công chúng hiện đại.