Sách Đỏ: Gần 1/5 số loài chuồn chuồn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

NDO -

Theo bản cập nhật Sách Đỏ mới nhất của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), gần 1/5 số chuồn chuồn - loài côn trùng đóng vai trò quan trọng trong quản lý dịch bệnh bằng cách ăn ấu trùng muỗi - đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống bị phá hủy.

Các nhà khoa học xem chuồn chuồn là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe của các vùng đầm lầy và các con sông. (Ảnh: Reuters)
Các nhà khoa học xem chuồn chuồn là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe của các vùng đầm lầy và các con sông. (Ảnh: Reuters)

Trong đánh giá toàn cầu đầu tiên về chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, IUCN phát hiện ra rằng ít nhất 16% trong khoảng 6.000 loài chuồn chuồn đã được biết đến thuộc diện dễ bị tổn thương, nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp.

Dữ liệu trên là một phần trong bản cập nhật Sách Đỏ mới nhất của IUCN gồm hơn 40 nghìn loài thực vật, động vật và nấm, với 28% trong số đó đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bà Viola Clausnitzer, một nhà côn trùng học có nhiều thập kỷ nghiên cứu về chuồn chuồn, nhận định những phát hiện của IUCN là một “dấu hiệu cảnh báo”. Theo bà, tỷ lệ phần trăm trên thậm chí có khả năng còn lớn hơn vì nhiều loài không thể được đánh giá do thiếu dữ liệu.

Các nhà khoa học xem chuồn chuồn là một chỉ số quan trọng để xác định tình trạng sức khỏe của các vùng đầm lầy và các con sông. Một nghiên cứu năm 2018 của Công ước Ramsar chỉ ra rằng, hơn 1/3 diện tích vùng đất ngập nước đã biến mất mất kể từ năm 1970 - cao hơn gấp 3 lần so với diện tích rừng biến mất.

Chia sẻ với Reuters, người đứng đầu đơn vị biên soạn Sách Đỏ của của IUCN, ông Craig Hilton-Taylor nhấn mạnh: “Có một thái độ cố chấp trên khắp thế giới cho rằng các vùng đất ngập nước cần được khai hoang và cải tạo thành nơi ở cho con người. Tuy nhiên, đó không phải là sự khai hoang, đó là sự phá hủy”.

Sự suy giảm số lượng các loài động vật ăn thịt ở vùng đất ngập nước như chuồn chuồn dẫn đến sự gia tăng số lượng muỗi có thể mang các mầm bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết ở những vùng có khí hậu ấm áp.

Chuồn chuồn được biết đến như là thức ăn cho các loài chim và động vật lưỡng cư. Bên cạnh đó, khả năng bay nhanh nhẹn phi thường của loài côn trùng này cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học nghiên cứu sử dụng chúng làm mô hình để phát triển robot bay.