Rừng Tuyên Quang mãi xanh

“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Khắc ghi lời Bác dạy, cứ mỗi độ xuân về, hòa trong không khí đầy vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu năm mới, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang lại nô nức thi đua trồng thật nhiều cây, gây thật nhiều rừng. Giờ đây, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành phong trào, truyền thống của người dân quê hương Cách mạng Tân Trào.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tích cực tham gia phong trào trồng cây, gây rừng.
Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tích cực tham gia phong trào trồng cây, gây rừng.

Năm 2021, tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Trung ương chọn làm nơi Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình trồng một tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” và hưởng ứng “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu. Trong ngày ra quân, cả tỉnh đã tổ chức 153 điểm phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại các địa phương với hơn 20.500 người tham gia, đã trồng được 214.950 cây xanh, gồm keo, mỡ, bồ đề, nghiến, đinh, chò chỉ và các loài cây bản địa khác.

Năm 2023, tỉnh đã trồng được 11.648,97 ha rừng, vượt 15,3% kế hoạch, chiếm 12,4% diện tích rừng trồng mới khu vực phía bắc, chiếm hơn 4,6% diện tích rừng trồng mới của cả nước. Thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh, đến nay Tuyên Quang đã trồng 5,256 triệu cây, đạt 87,61% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang Triệu Đăng Khoa cho biết, tỉnh đã tiếp tục thực hiện mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) lên 49.269,25 ha, đạt 79,6% kế hoạch; diện tích rừng trồng gỗ lớn được 80.000 ha, đạt 89,88% giai đoạn 2021-2025; tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ của rừng ở mức hơn 65%, đứng thứ ba cả nước. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2023 đạt hơn 1.842 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 448,681 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 46.934 ha rừng đặc dụng, hơn 121.629 ha rừng phòng hộ, hơn 280.117 ha rừng sản xuất. Tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phát triển rừng. Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2025; hoàn thành quy hoạch phân ba loại rừng và tích hợp vào quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia.

Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, tỉnh đã sớm triển khai điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân ba loại rừng, phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho năm nhà máy chế biến lớn trong tỉnh với diện tích hơn 200.000 ha, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đào tạo lao động…

Đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng hơn 190.000 ha; sản lượng khai thác hằng năm hơn một triệu mét khối gỗ, là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về sản lượng khai thác; hằng năm trồng mới hơn 11.000 ha rừng; tính đến tháng 8/2023 có hơn 48.318 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì hơn 65%, đứng thứ ba cả nước. Tỉnh đã thu hút được tám nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.

Tỉnh thực hiện nhiều chính sách phát triển rừng như hỗ trợ cây giống chất lượng cao; hỗ trợ gạo cho người dân bảo vệ và phát triển rừng thuộc tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, hộ gia đình nghèo, gia đình dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ từ 0,5 ha tập trung trở lên được hỗ trợ bằng tiền mặt tương đương 15 kg gạo/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tám tháng/năm, tối đa không quá bảy năm.

Từ những chính sách của tỉnh, người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, coi rừng là tài sản quý giá của mình. Nhiều thôn, bản, người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số đã thay đổi hẳn nhận thức, tư duy phát triển kinh tế rừng.

Ông Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn cho biết, thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm vận động người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi, núi trọc. Sau hơn 10 năm, xã đã trồng 7.300 ha rừng sản xuất, bảo vệ hơn 1.000 ha rừng phòng hộ, đến nay toàn xã không còn đất trống, đồi trọc. Kinh tế rừng trồng đem lại cho người dân trên địa bàn xã khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa có hơn 3.000 ha rừng sản xuất, trong đó 1.800 ha được cấp chứng chỉ FSC. Từ nguồn gỗ rừng trồng, người dân trong xã đã phát triển bốn xưởng chế biến gỗ dăm, ván bóc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương... Hằng năm, doanh thu từ rừng của xã đạt hơn 20 tỷ đồng. Phát triển rừng đang là hướng đi có hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã, cũng như là cơ hội để người trồng rừng giàu lên từ rừng.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như phát triển, bảo vệ rừng, nhiều năm qua tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện mô hình liên doanh, liên kết trồng rừng giữa các công ty lâm nghiệp, nhà máy chế biến với người dân. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên, mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Đến nay, đã có 1.300 hộ dân tham gia trồng rừng theo phương thức này với Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa với diện tích rừng được trồng mới hơn 3.250 ha. Hằng năm, công ty hỗ trợ hơn 2,5 triệu cây giống cho các hộ dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy để trồng rừng và còn hỗ trợ người dân toàn bộ chi phí thiết kế kỹ thuật.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Tuyên Bình hiện có hơn 1.250 ha rừng liên kết với công nhân và các hộ dân ở địa bàn sáu xã của huyện Yên Sơn. Trong đó, công ty đầu tư giống, phân bón, thiết kế kỹ thuật và quản lý chung, người dân thực hiện chăm sóc, bảo vệ, khai thác. Khi kết thúc chu kỳ, sẽ chia sản phẩm theo tỷ lệ đầu tư của mỗi bên. Ông Bùi Thu Thủy, Phó Giám đốc công ty cho biết, từ khi thực hiện liên doanh, các hộ coi rừng là tài sản của mình nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng được tốt hơn. Trước đây mỗi héc-ta chỉ cho sản lượng gỗ khai thác từ 60 đến 70 mét khối, thì nay đã tăng lên đạt từ 90 đến 100 mét khối. Sản lượng gỗ tăng giúp thu nhập của các hộ trồng rừng tăng lên.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn Vũ Quang Đảm cho biết, trên địa bàn xã có hơn 3.600 ha rừng sản xuất, trong đó hơn 1.700 ha rừng đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC). Xã đã khuyến khích người dân thành lập các mô hình trồng rừng theo chuỗi giá trị, nâng cao diện tích rừng được cấp chứng chỉ; trồng rừng giống chất lượng cao, tạo bước đột phá trong đổi mới tư duy, phương thức phát triển kinh tế rừng dựa trên tiềm năng đất đai, giúp người dân nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm rừng trồng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, các công ty lâm nghiệp cũng như các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết trồng rừng như: liên kết giữa các công ty lâm nghiệp với các hộ dân; liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với các hộ dân; liên kết giữa các công ty chế biến với nhóm hộ trong quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; liên kết giữa các công ty lâm nghiệp của tỉnh với công ty chế biến...

Từ khi thực hiện liên kết, các doanh nghiệp đã chủ động về nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến của mình. Việc liên doanh, liên kết tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và luôn bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa các bên nhằm phát huy tối đa hiệu quả của rừng, góp thêm động lực để người dân gắn bó lâu dài, bền vững với rừng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết, mới đây, tỉnh Tuyên Quang đã trình Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”.

Đề án được thực hiện sẽ tác động tích cực đến chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích lâm nghiệp, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đề án đồng thời góp phần phát huy khả năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ những thiệt hại do bão lũ và thiên tai gây ra, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.