Rực rỡ sắc xuân ở các làng hoa, cây cảnh Văn Giang

Mùa xuân đang đến, bên những cánh đồng hoa, cây cảnh rực rỡ chạy dài theo trục đường thôn, xã là các chợ hoa.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chuyển đổi sang trồng hoa cho thu nhập cao.
Nông dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chuyển đổi sang trồng hoa cho thu nhập cao.

Những chậu hoa, cây cảnh đẹp nhất được người trồng mang ra bày để khách tham quan chọn mua, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng mang đậm sắc xuân của những làng hoa, cây cảnh ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Làng hoa Xuân Quan thời điểm này rực rỡ hơn bởi những vườn dạ yến thảo, hay các loại hoa xác pháo, hồng, đèn lồng, thược dược, ly, trà cổ, đồng tiền… đua nhau khoe sắc. Với hơn 1.300 hộ gia đình tham gia trồng hoa trên diện tích khoảng 250 ha để phát triển kinh tế, xã Xuân Quan nhanh chóng phát triển thành vùng hoa trọng điểm của tỉnh Hưng Yên với nhiều loài hoa, chủng loại phong phú, đa dạng.

Khác với các làng hoa ở khu vực phía bắc thường đánh đất trồng cây xuống ruộng theo luống, nông dân xã Xuân Quan chọn cách trồng hoa trong chậu treo để không chỉ Tết Nguyên đán mà bất kỳ thời điểm nào trong năm, đến làng hoa Xuân Quan, du khách sẽ choáng ngợp trước những giỏ hoa, cây cảnh đầy màu sắc treo trên giàn rất đẹp mắt.

Nhiều nhà vườn ở làng hoa Xuân Quan đang đầu tư trồng các giống hoa hồng quý hiếm có giá trị cao như: hồng Vân Khôi, hồng cổ Sa Pa, hồng đổi màu, hồng Sa Đéc, hồng trứng, hồng đào… Các loại hoa này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh cũng đã về đây tìm các mối hàng và đặt sẵn, chờ gần đến Tết Nguyên đán sẽ vận chuyển về nơi buôn bán.

Có thâm niên 15 năm gắn bó với nghề trồng hoa, ông Nguyễn Tiến Ánh ở thôn 3, xã Xuân

Quan chia sẻ, gia đình ông có gần 1 mẫu chuyên trồng các loại hoa, cây cảnh. Để kịp thời phục vụ thị trường hoa Tết cũng như bù đắp thiệt hại sau bão số 3 (Yagi), gia đình ông Ánh đã khẩn trương dựng lại nhà giàn, bổ sung thêm các giống hoa ngắn ngày gối vụ. Với kinh nghiệm lâu năm và áp dụng khoa học- kỹ thuật vào chăm sóc, đến nay diện tích trồng hoa, cây cảnh của gia đình ông phát triển tốt, nhiều thương lái đã đặt mua hàng. Vụ Tết năm nay gia đình ông ước thu khoảng 80 triệu đồng/sào.

Cùng với Xuân Quan, xã Phụng Công cũng nhộn nhịp không khí chuẩn bị cho mùa thu hoạch lớn nhất của năm. Các nhà vườn trưng bày nhiều sản phẩm để người tiêu dùng ngắm và lựa chọn. Đi sâu vào các thôn là những vườn hoa đa sắc màu, những khu nhà kính, nhà lưới hiện đại. Thương lái đã bắt đầu đổ về chọn hoa bán vụ Tết khiến làng quê càng tấp nập. Người Phụng Công trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, phổ biến nhất là hoa trà, hoa lan, hoa giấy, trạng nguyên, hải đường, si, sanh, lộc vừng, mộc...

Gia đình anh Chử Văn Biên ở thôn Đại, xã Phụng Công, là một trong những hộ dân có diện tích trồng hoa trà lớn nhất trong xã, là điểm đến của những người đam mê cây hoa trà cảnh. Anh Biên chia sẻ: Anh lớn lên cùng với nghề làm nông nghiệp của gia đình, trồng và chăm sóc cây cảnh không chỉ gắn bó với tuổi thơ của anh mà còn cho anh nhiều ước mơ của tuổi trẻ.

Vườn hoa trà nhà anh Biên có những loài cây trà cổ với tuổi đời khoảng 100 năm và nhiều loại cây trà được ươm trồng cũng như nuôi dưỡng lâu năm. Anh cùng gia đình đã ươm tạo nhiều thế cây hoa trà đẹp và độc đáo phục vụ người yêu cây cảnh. Một cây trà trồng từ 1 đến 2 năm chỉ có giá bán từ 200.000 đến 300.000 đồng, nhưng với những giống trà cổ, một cây có thể bán từ 100 triệu đến 800 triệu đồng.

Xã Liên Nghĩa được mệnh danh là trung tâm trồng các loại cây cảnh của huyện Văn Giang, có tổng diện tích hơn 130 ha. Cùng với quất, bưởi, quýt cảnh truyền thống, năm nay nhiều nhà vườn xã Liên Nghĩa chuyển đổi sang mô hình trồng quất bonsai, quất thế, quất ghép gỗ lũa, tạo hình cây quất, quýt với nhiều dáng, thế độc lạ như: hình rồng, lọ lục bình, lọ hút lộc, tán ô, thỏi vàng...; những cây bưởi có kích thước lớn có giá dao động từ 15 triệu đến hàng trăm triệu đồng/chậu.

Dù tốn nhiều công chăm sóc cũng như đòi hỏi tính thẩm mỹ nhưng cách làm này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh trồng các loại cây cảnh đặc trưng của xã, một số gia đình đầu tư trồng thêm cây đu đủ cảnh, mía cảnh. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, các nhà vườn không ngừng nâng cao tay nghề, áp dụng khoa học-kỹ thuật, bảo đảm chất lượng vượt trội cũng như khẳng định thương hiệu của các làng nghề hoa, cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán 2025 sắp tới.

Ông Nguyễn Trung Thành, thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa cho biết, để có một cây cảnh đẹp bán ra thị trường dịp Tết, mất rất nhiều công chăm sóc. Trung bình người trồng phải mất khoảng từ 2 đến 3 năm dưỡng cây phôi, sau đó mới tạo hình, gò thân để có cây cảnh đạt yêu cầu. Một cây thương phẩm đạt yêu cầu phải thỏa mãn 4 yếu tố chính là quả, hoa, lá, lộc.

Quả phải sai, đều, vỏ bóng đẹp; lá xanh dày, có lộc nhú và hoa. Với diện tích 5 sào trồng cây cảnh, năm nay, nhà vườn của ông Thành có hơn 200 gốc quýt, 20 gốc bưởi phục vụ dịp Tết. Đặc biệt, ông có hơn 100 cây quýt được gò thành những dáng độc, lạ như: hình rồng, lọ lục bình, lọ hút lộc, quả cầu, thỏi vàng, tán ô...

Những cây này có giá bán từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/cây, cao gấp từ 2 đến 3 lần so với quýt dáng thế thông thường. Ngoài ra, ông còn trồng những chậu mía cảnh bán với giá 500 nghìn đồng/chậu. Toàn bộ diện tích cây cảnh của gia đình ông đều đã được khách hàng đặt mua hết với giá bán cao hơn năm trước từ 10 đến 15%. Ước tính dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới mang lại cho gia đình ông thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Những hình ảnh rực rỡ, sum suê của những giỏ hoa, cây cảnh trên khắp ngả đường, chợ, trung tâm thương mại… thể hiện sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của những người nông dân huyện Văn Giang. Họ đã và đang góp phần làm cho ngày Tết cổ truyền dân tộc thêm tươi thắm sắc mầu, làm đẹp cho người, cho đời.