Mỗi dịp này, có hàng chục nghìn người con Hải Hậu ở quê hương cũng như xa xứ tề tựu, sum vầy, hòa mình vào không khí lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc. Từ hơn nửa tháng trước ngày 2/9, hàng loạt sự kiện đã diễn ra ở các xã, thị trấn như thi đấu bóng đá, bóng chuyền hơi, bơi chải, văn nghệ quần chúng, chơi tổ tôm điếm, kéo co, cờ tướng...
Ngày hội gắn kết cộng đồng
“Với người Hải Hậu, Tết Độc lập là dịp lễ được mong chờ nhất trong năm, thậm chí còn hơn dịp Tết Nguyên đán”, đồng chí Trần Quang Nhuệ, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Hậu cho biết. Bắt đầu được tổ chức từ năm 1982 và diễn ra liên tục đến nay (chỉ gián đoạn hai năm 2020, 2021 do dịch Covid-19), ban đầu việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao dịp 2/9 của huyện chỉ mang tính chào mừng kỷ niệm như các địa phương khác. Nhưng lâu dần, Tết Độc lập trở thành ngày hội lớn của người dân Hải Hậu.
Ngày 2/9, người dân Hải Hậu sẽ nô nức kéo về Nhà Văn hóa trung tâm huyện để cổ vũ vòng chung kết của các môn văn hóa, thể thao, chứng kiến hàng nghìn diễn viên, vận động viên trình diễn xếp chữ, trống cà rùng, múa lân sư rồng, kèn đồng...
Năm nay, Tết Độc lập diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 135 năm thành lập huyện Hải Hậu (1888-2023), nên không khí đón mừng càng nô nức hơn. Cờ hoa rực rỡ, xóm ngõ sạch tinh tươm.
Đồng chí Vũ Thế Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Thanh nói vui rằng, trong năm, đây là lúc “bận tối tăm mặt mũi”. Xã có số dân khoảng 7.000 người thì hơn 700 người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao trong ngày hội của huyện. Lãnh đạo xã liên tục phải có mặt động viên, góp ý các tiết mục văn nghệ, hoạt động thể thao của người dân suốt nửa tháng qua. “Có nhà... khóa cửa, đi cả ngày vì bố và các con tham gia đội bóng đá, mẹ tập dân vũ, ông chơi cờ tướng, còn bà tập tiết mục dưỡng sinh”, đồng chí Mạnh cười bảo.
Theo lãnh đạo xã Hải Thanh, ngày hội Tết Độc lập là một dịp ý nghĩa để gắn kết bè bạn, xóm giềng, các xóm, các xã trong huyện với nhau và thậm chí gắn kết người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó tạo sự đồng thuận cao, giúp hệ thống chính trị cơ sở luôn có sự chung vai, góp sức của nhân dân trong thực hiện các mục tiêu chung, chẳng hạn phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, biến mỗi xóm làng thành một vùng quê đáng sống.
Giữ nét văn hóa riêng của người Hải Hậu
Theo đồng chí Trần Quang Nhuệ, trải qua hơn 500 năm cha ông mở đất, quai đê lấn biển, đương đầu sóng gió, người Hải Hậu đã hình thành khí phách “ăn to nói lớn” và tinh thần cố kết cộng đồng, đồng lòng sát vai trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, dịp sum vầy trong Tết Độc lập đã trở thành nhu cầu tự thân của người dân, như một cách kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết của cha ông thuở trước.
Những năm gần đây, bên cạnh việc bảo đảm duy trì tổ chức ngày hội vui tươi, an toàn, huyện Hải Hậu cũng quan tâm phục dựng những nét văn hóa, trò chơi dân gian gắn với nếp sống của người dân xưa như leo cầu ngô, đi cà kheo, đấu vật, chơi đu, biểu diễn lân sư rồng, trống cà rùng... Bên cạnh đó, những môn quen thuộc, luôn là thế mạnh của Hải Hậu như bóng chuyền hơi, kéo co, bơi chải vẫn được quan tâm phát triển, trở thành niềm tự hào của huyện tại các cuộc thi đấu trong và ngoài tỉnh.
Tuy lịch sử hình thành và phát triển còn non trẻ, người dân Hải Hậu hôm nay luôn ghi nhớ truyền thống oanh liệt của cha ông nơi vùng đất từng được coi là “Điện Biên Phủ đồng bằng duyên hải Bắc Bộ” trong kháng chiến; bốn lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp, Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới) và 45 năm liên tục là điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước.
Trong xây dựng nông thôn mới, Hải Hậu là một trong những huyện đi đầu cả nước khi đã có tất cả số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, xã Hải An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 và toàn huyện đang nỗ lực về đích nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp”.