Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, rét đậm rét hại những ngày qua đã làm 163 con gia súc (chủ yếu trâu, bò) chết rét; trong đó, có 116 con trâu, 45 con bò, 2 con dê.
Toàn bộ số trâu, bò chết rét là của người dân ở 7 huyện, thành phố. Nhiều nhất là huyện Tủa Chùa có 46 con; tiếp đến là huyện Mường Ảng 36 con, thành phố Điện Biên Phủ 34 con, huyện Điện Biên Đông 29 con. 3 huyện chưa ghi nhận trâu, bò chết rét, gồm: Mường Nhé, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay.
Để hạn chế gia súc chết do rét, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên thường xuyên thông tin diễn biến thời tiết đến các địa phương chủ động khuyến cáo người chăn nuôi dự trữ thức ăn cho gia súc, không thả rông gia súc khi trời rét buốt.
Tại các huyện chưa ghi nhận gia súc chết rét người dân đã chủ động củng cố chuồng trại, chắn gió cho gia súc. Nhiều gia đình còn đốt lửa sưởi, đun nóng thức ăn cho gia súc.
* Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, nếu như ngày 15/2, toàn tỉnh mới có 17 con trâu, bò chết rét, thì chỉ sau 8 ngày, tính đến ngày 22/2, con số này đã tăng lên gấp gần 10 lần.
Những ngày qua, nhiệt độ trung bình ở Bắc Kạn giảm mạnh. Ở các xã vùng cao, như: Cao Sơn, Vũ Muộn (Bạch Thông); Bằng Vân, Cốc Đán (Ngân Sơn); Kim Hỷ, Lương Thượng (Na Rì)... nhiệt độ luôn dưới 10 độ C. Giá rét kèm theo mưa khiến cái rét càng đậm, dễ làm trâu, bò bị cước chân, chết; cây trồng bị sương giá hư hại.
Tính đến ngày 22/2, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 128 con trâu, bò bị chết rét. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các huyện Na Rì với 37 con, Ngân Sơn 36 con và Bạch Thông 25 con.
Ngoài ra, rét kèm theo mưa còn khiến nhiều diện tích mạ mới gieo bị ngập, một số tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở; hàng chục ha ngô mới trồng của người dân huyện Ngân Sơn bị chết. Ước tính tổng thiệt hại do mưa rét gây ra lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng.
Trong những ngày tới thời tiết tại Bắc Kạn vẫn tiếp tục rét đậm, rét hại kèm theo mưa. Vì vậy, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, dông lốc, mưa đá, băng giá, mưa tuyết, sương mù và vùng áp thấp.
Các địa phương quyết liệt tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc. Văn phòng Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai các cấp trực ban nghiêm túc, thường xuyên chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo đến người dân để chủ động phòng, tránh rét.
* Lạng Sơn có hơn 500 con trâu, bò chết do đói, rét
Chiều 23/2, ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết: từ ngày 18/2 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh chuyển rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này từ 3-6 độ C, vùng núi cao xấp xỉ 0 độ C và đã xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Do rét đậm, rét hại kéo dài, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 500 con trâu, bò (chủ yếu là bê, nghé), hơn 250 con dê chết do đói, rét.
Trước khi có các đợt rét đậm, rét hại (trước Tết Nguyên đán) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập đoàn đi các huyện, thành phố kiểm tra công tác phòng, chống đói rét và có văn bản chỉ đạo chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do đợt rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa dài ngày nên vẫn có một số gia súc bị chết do đói, rét.
Để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, trong thời gian tới UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện ngay một số nhiệm vụ cụ thể như: triển khai các biện pháp bảo vệ phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, cây trồng trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo các hộ gia đình đưa gia súc thả rông về chuồng trại để chăm sóc; chủ động dự trữ thức ăn; sửa chữa, che chắn chuồng trại, không chăn thả hoặc để trâu, bò cày kéo vào những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C; đồng thời bổ sung chất khoáng, vitamin và cho uống nước ấm để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi...