Tối 30/10, tại hiện trường khắc phục đường sắt bị sạt lở ở Hà Tĩnh, ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tại các vị trí sạt lở, ngành đường sắt đã huy động hơn 150 cán bộ, công nhân viên cùng các thiết bị chuyên dụng và vật tư, khẩn cấp khắc phục.
Do sạt lở nghiêm trọng, lại ở vị trí không thuận lợi về đường bộ tiếp cận nên công tác cứu hộ, khắc phục sạt lở đường sắt gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, lực lượng cán bộ, công nhân đã khắc phục hiệu quả, không để tình trạng sạt lở tiếp diễn thêm tại các vị trí.
Do sạt lở nghiêm trọng, lại ở vị trí không thuận lợi về đường bộ tiếp cận nên công tác cứu hộ, khắc phục sạt lở đường sắt gặp nhiều khó khăn. |
Dự kiến, trong đêm 30/10, nếu thời tiết ngừng mưa lớn, không bị sạt lở bất thường ở các vị trí khác, các đơn vị đường sắt sẽ phấn đấu, cố gắng thông tuyến vào rạng sáng 31/10, khai thác tạm thời các đoàn tàu bắc-nam qua khu gian.
Trước đó, do mưa rất to, kéo dài từ khoảng 3 giờ 40 phút đến 6 giờ 30 phút sáng 30/10, từ km 354+900 đến 355+750 thuộc khu gian Yên Duệ-Hòa Duyệt (Hà Tĩnh) trên tuyến đường sắt bắc-nam, đã có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá, cây cối trên sườn núi đổ xuống đường sắt.
Tại các điểm sạt lở, hàng nghìn m3 đất taluy âm đường sắt bị trôi xuống sông Ngàn Sâu, một số vị trí sạt lở dài tới 60m, sâu khoảng 10m, đường sắt bị “hở hàm ếch”, treo ray.
Ngay khi phát hiện sạt lở, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ra lệnh dừng tàu qua khu gian và thực hiện chuyển tải an toàn hơn 600 hành khách trên các tàu SE20, SE1, SE7, SE8 đoạn qua Hòa Duyệt-Yên Trung và tạm dừng chạy tàu SE1, SE3, SE 19 xuất phát tại Hà Nội và tàu SE20 xuất phát tại Đà Nẵng.