Khai thác tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường sắt

Cuối tháng 9/2023, Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp từ Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) để xuất khẩu đi Trung Quốc chính thức được khởi hành. Sự kiện mở ra một phương thức vận chuyển hàng hóa mới góp phần giảm áp lực lên giao thông đường bộ, giảm chi phí vận chuyển, giúp doanh nghiệp vừa nâng cao năng lực xuất, nhập khẩu, vừa dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm sản xuất hàng hóa và nguyên phụ liệu sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển tinh bột sắn từ ga Sóng Thần xuất khẩu sang Trung Quốc khởi hành ngày 27/9/2023.
Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển tinh bột sắn từ ga Sóng Thần xuất khẩu sang Trung Quốc khởi hành ngày 27/9/2023.

Phương thức vận chuyển hàng hóa an toàn, hiệu quả

Ngày 27/9, tại ga Sóng Thần (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển lô hàng tinh bột sắn (loại dùng làm thực phẩm) với số lượng 499,7 tấn, được đóng trong 19 container 40 feet của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu-Thương mại-Dịch vụ Hùng Duy (thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) chính thức khởi hành để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo lịch trình, lô hàng được vận chuyển từ ga Sóng Thần đến ga Yên Viên (Hà Nội). Sau đó, lô hàng tiếp tục được chuyển sang toa tàu khổ 1.400 mm để vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Lô hàng đã được Cục Hải quan tỉnh Bình Dương giải quyết thủ tục Hải quan xuất khẩu; tờ khai được Hệ thống xử lý dữ liệu tự động (VNACCS-VSIS) phân luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và được thông quan tự động).

Ở chiều ngược lại, đối với hàng hóa nhập khẩu, dự kiến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có lô hàng (thử nghiệm, 1-2 container của nhiều chủ hàng khác nhau) nhập khẩu từ Trung Quốc vào kho CFS-TBS Tân Vạn (thuộc sự quản lý của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng tổng hợp Bình Dương, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Dương).

Sau đó, tùy theo tình hình, mục đích sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp (chủ hàng) thực hiện đăng ký tờ khai hải quan theo các loại hình tương ứng (kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu…) để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…

Ga Sóng Thần là ga hàng hóa lớn nhất phía nam, đồng thời là ga kỹ thuật có 13 đường xếp dỡ và 7 bãi hàng hóa với tuyến Đường sắt bắc-nam dài 1.726 km, đường đơn khổ 1.000 mm, chạy trục bắc-nam là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh Bình Dương và khu vực.

Việc đưa hoạt động liên vận vào khai thác tại ga Sóng Thần với Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc đánh dấu bước đột phá trong kế hoạch phát triển, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt; mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới hiệu quả, an toàn, tiết kiệm chi phí, vừa góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy hoạt động gia công sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và khu vực, vừa có thể dễ dàng giúp doanh nghiệp tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh,...

Đánh thức tiềm năng

Hiện tại, tuyến vận chuyển chính từ ga Sóng Thần đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội) sau đó chuyển tiếp vào các Đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc và quá cảnh qua nước thứ ba (Nga, Mông Cổ, Trung Á và châu Âu) qua các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Tuy nhiên, năng lực hiện tại của ga Sóng Thần mới đáp ứng được 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm với hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ô-tô, xe máy và nông sản, thực phẩm. Do đó, việc nâng cao năng lực ga Sóng Thần phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung và nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua đường sắt nói riêng.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần. Dự kiến, giai đoạn 2025-2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn trong nhất hệ thống các ga Đường sắt Việt Nam.

Sau khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động liên vận quốc tế được đầu tư hoàn thiện, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy tàu hằng ngày và cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ công tác xuất, nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng tại khu vực tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, việc hướng doanh nghiệp mở rộng thêm phương thức vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa cũng như hàng hóa vận chuyển bảo đảm an toàn, đúng lịch trình.

Một lợi ích quan trọng nữa là hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua. Đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, có thời gian bảo quản ngắn, cần thời gian vận chuyển nhanh để kịp giao hàng cho khách hàng Trung Quốc qua các cửa khẩu phía bắc thì việc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là phương án tối ưu nhất giúp tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao sức cạnh tranh cũng như uy tín, vị thế của doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài.

Chia sẻ về phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho rằng, Bình Dương được coi như trung tâm logistics của phía nam, vì vậy việc mở rộng phương thức vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế qua ga Sóng Thần sẽ mở ra một cơ hội mới cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Sở Công thương sẽ phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin đầy đủ cho các doanh nghiệp về phương thức này để tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, đến nay tỉnh Bình Dương đứng thứ tư về xuất khẩu cũng như nhập khẩu của cả nước. Việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường sắt qua ga Sóng Thần góp phần giải quyết tình trạng quá tải của vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đồng thời đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh, nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Với vị trí địa lý thuận lợi, ga Sóng Thần hoàn toàn có thể đóng vai trò là nơi tập kết và phân phối hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đi các cửa khẩu biên giới phía bắc và phía nam vừa cho các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, vừa cho các doanh nghiệp cả vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh và cả vùng Nam Bộ, giúp gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.