Rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần tiến hành thường xuyên

NDO - Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển, việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không chỉ dừng ở việc làm theo đợt mà phải tiến hành thường xuyên, và kết quả rà soát cần phải được lấy làm thông tin dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00

Mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, đã có hướng xử lý cụ thể

Chiều 1/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu tranh luận với các ý kiến cho rằng chất lượng hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, việc Quốc hội yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật là kịp thời để có những đề xuất sửa đổi, đưa ra giải pháp để làm tốt hơn không chỉ trong xây dựng pháp luật mà kể cả trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần tiến hành thường xuyên ảnh 1

Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu nêu rõ, với khối lượng rà soát lớn với hơn 500 văn bản gồm cả văn bản luật và dưới luật, qua rà soát chưa phát hiện thấy nội dung trái chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế. Điều này được thể hiện rất rõ trong báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến độc lập của các cơ quan của Quốc hội.

Những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo tuy có nhưng không nhiều, và chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng cho biết, trong từng nội dung được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo đều đã có hướng xử lý khá cụ thể cả về nội dung, tiến độ và cách thức thực hiện. Trong đó, có nội dung liên quan đến luật dự kiến sẽ xử lý ngay trong kỳ họp này, có việc đã có trong chương trình, kế hoạch lập pháp của năm hay của nhiệm kỳ.

Đối với các văn bản dưới luật, Chính phủ cũng đã cam kết chỉ đạo sửa ngay. Ngoài ra, qua rà soát cũng chưa phát sinh yêu cầu cấp bách cần phải xử lý, cũng như phải dùng một luật để sửa nhiều luật.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh ý nghĩa của việc rà soát pháp luật và đề nghị việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không chỉ dừng lại ở đây, thực hiện theo đợt mà phải tiến hành thường xuyên. Kết quả rà soát cần phải thực hiện để làm thông tin dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết, thời gian qua, việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã gắn chặt với thực tiễn, thể hiện quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước là xác định hoàn thiện thể chế là khâu đột phá chiến lược.

“Cuộc sống thay đổi thì chính sách và pháp luật phải thay đổi và phải được cuộc sống chứng minh là đúng và được cuộc sống chấp nhận. Và khi cuộc sống đã chấp nhận thì chúng ta phải tiến hành những hoạt động rà soát thường xuyên như lần này”, đại biểu nêu rõ.

Cần quan tâm tới giám sát xử lý kết quả sau rà soát

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần tiến hành thường xuyên ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, nhất là sự tích cực, trách nhiệm của Thường trực Tổ công tác của Chính phủ với 523 văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát với 22 lĩnh vực trọng tâm và các lĩnh vực khác, cơ bản đã hoàn thành trong thời gian ngắn.

Theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức, hay việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cần làm rõ những nguyên nhân này để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về kết quả rà soát, đại biểu nhận thấy, dù kết quả rà soát rất tích cực nhưng chưa phản ánh được hết bức tranh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cho nên vẫn cần tiếp tục rà soát.

Đại biểu đề xuất văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chỉ nên quy định thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với những nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quy định tại Điều 21 và Điều 42 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, còn lại, nhất là những thẩm quyền quyết định những vụ việc cụ thể thì nên giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu cho rằng, việc này không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu mà còn khắc phục được bất cập hiện nay và đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.

Về xử lý kết quả sau rà soát, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là tập trung xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát với lộ trình và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành và nhất là quan tâm tới việc giám sát xử lý kết quả sau rà soát.

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần tiến hành thường xuyên ảnh 5

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 1/11. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng tình với ý kiến cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa nhưng đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, cần xem xét kỹ và có cách làm khác đối với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ, doanh nghiệp, dám nghĩ, dám làm.

Đại biểu nêu rõ, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Theo đó, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những người trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã đề xuất và thực hiện những việc nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101/2023/QH15 là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ.

“Tuy nhiên, thực tế luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh. Do đó, cần tìm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp”, đại biểu nêu rõ.

Từ đó, đại biểu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình và thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chỉ với một hoặc một vài nội dung cụ thể theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp.

Đại biểu cho rằng điều này sẽ đáp ứng yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất tiềm lực phát triển đất nước.