Bộ Giao thông vận tải vừa có công điện gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong mùa Lễ hội Xuân Giáp Thìn và năm 2024.
Theo đó, Bộ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp, các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông để kịp thời bổ sung kết cấu hộ lan, hốc cứu nạn tại các đoạn đèo dốc (nếu cần thiết) trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trong cả nước.
Tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn, ba người thương vong
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định; quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô-tô) để xử lý vi phạm theo quy định.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tham quan, du lịch, lễ hội của người dân tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đối với hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe ôtô gây hậu quả nghiêm trọng.
Để tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tối đa các nguy cơ xảy ra tai nạn trên đường bộ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người lái xe trong bảo đảm an toàn giao thông; đặc biệt chú trọng thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, khoảng cách giữa các xe trên đường cao tốc, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định.
Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống vạch sơn, báo hiệu đường bộ, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm, tuyến đường dẫn đến khu vực lễ hội lớn, điểm du lịch thu hút đông người.
Sở Giao thông vận tải địa phương cũng được yêu cầu kiểm tra, chỉ đạo các bến xe thực hiện nghiêm các quy định đối với xe ra, vào bến; kiên quyết không cho xuất bến đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện kỹ thuật an toàn theo quy định.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có hành trình đi trên đường cao tốc, trên các tuyến đường có độ dốc cao, đơn vị kinh doanh vận tải cần chú trọng thực hiện nhắc nhở đối với lái xe trước mỗi chuyến đi để tăng cường ý thức chấp hành quy định về thời gian lái xe, tốc độ, khoảng cách giữa các xe trên đường cao tốc.