Ra mắt tập truyện ngắn của nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá

NDO - Sáng 20/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức Lễ ra mắt và tọa đàm văn học về tập truyện ngắn "Ai nói và tại sao lại nói như thế" PGS. TS - nhà phê bình văn học - nhà văn Văn Giá. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, giới phê bình văn học và bạn đọc. 
Trưng bày tác phẩm "Ai nói và tại sao nói như thế".
Trưng bày tác phẩm "Ai nói và tại sao nói như thế".

Sau nhiều tác phẩm lý luận, phê bình văn học được công bố, đây là tập truyện ngắn thứ ba của PGS. TS Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, trong đời sống vốn bộn bề này, đôi khi giọng nói của chúng ta vang lên đầy yếu ớt. Sự hão huyền, ích kỷ đè nén mọi thứ xuống. Trong khi đó, nhà văn Văn Giá theo đuổi văn chương hứng khởi chân thành mộng mị. Ông mang lại cho chúng ta tiếng nói thì thầm mà mãnh liệt, tử tế. Những trang viết của ông chân thực đẹp đẽ và đầy trách nhiệm.

Ra mắt tập truyện ngắn của nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá ảnh 1

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu.

Chia sẻ về con đường sáng tác văn chương, nhà văn bộc bạch, đã viết truyện ngắn từ thời sinh viên (những năm 80 của thế kỷ trước). Năm 1987, ông học cao học, rồi làm nghiên cứu sinh, bước hẳn vào con đường nghiên cứu phê bình văn học. Đến khoảng năm 2008, PGS. TS Văn Giá mới trở lại với "mối tình đầu" là truyện ngắn, đánh dấu qua hai tác phẩm: "Về thôi" và "Trên máy bay" đăng báo Văn nghệ, do nhà văn Dạ Ngân phụ trách biên tập. Từ đó, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên chuyên ngành viết văn, báo chí được các nhà văn Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái và bạn văn khích lệ...

Mỗi truyện ngắn của tôi thường là có một chút thể nghiệm, có khi rất nhỏ thôi về nghệ thuật tự sự, thí dụ về sắp xếp/dàn dựng văn bản, về trộn giọng giữa người kể chuyện với nhân vật, nhịp điệu trần thuật, về không khí truyện, về phi trung tâm hóa nhân vật/ đa điểm nhìn... Cũng không rõ có chút thành công nào không, nhưng để khi lên lớp, bên cạnh việc dẫn các văn liệu của các nhà văn bậc thầy, tôi cũng chia sẻ cho các sinh viên cách ứng dụng của tôi, nhà văn Văn Giá bày tỏ.

Mỗi truyện ngắn của tôi thường là có một chút thể nghiệm, có khi rất nhỏ thôi về nghệ thuật tự sự, thí dụ về sắp xếp/dàn dựng văn bản, về trộn giọng giữa người kể chuyện với nhân vật, nhịp điệu trần thuật, về không khí truyện, về phi trung tâm hóa nhân vật/ đa điểm nhìn...

Nhà văn Văn Giá

Về tác phẩm lần này, nhà văn Văn Giá cho rằng, vì làm nghiên cứu phê bình văn học, ông ý thức sâu sắc được việc mình lên tiếng/phát ngôn không phải lúc nào cũng muốn mà được. Vả lại, ngay cả việc lên tiếng ấy nhiều khi tưởng như rất vô tư, hồn nhiên, mình muốn nói thế nào thì ra thế, nhưng không phải, hóa ra trong thẳm sâu, có những thứ định chế như một vô thức chi phối sự lên tiếng của anh mà anh không biết, không kiểm soát được. Đây là nhìn từ phía người viết. Còn nhìn từ phía bạn đọc, do kinh nghiệm tri thức, văn hóa của mỗi người khác nhau, lại do bối cảnh thực tại chi phối, nên họ tiếp nhận các phát ngôn cũng rất khác nhau.

Ra mắt tập truyện ngắn của nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá ảnh 2

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn (trái) đảm nhận vai trò dẫn dắt tọa đàm.

Người nói/viết đừng nằm mơ ai cũng là kẻ tri âm, tán tụng mình, khen ngợi mình... Một khi phát ngôn/tác phẩm được tất cả mọi người khen thì đó là báo hiệu sự thất bại của chủ thể tác giả.

Đây chính là câu chuyện của lý thuyết diễn ngôn. Hiểu được điều này để thấy được mối liên hệ mật thiết giữa mỗi cá nhân, trong đó có nhà văn đối với xã hội/lịch sử/văn hóa/chủng tộc/thiên nhiên... mà họ thuộc về; đồng thời cũng thấy giới hạn của mỗi chủ thể cất tiếng. Đó chính là câu chuyện "Ai nói và tại sao lại nói như thế". Ông muốn chuyển dịch trọng tâm trong các tác phẩm của mình từ việc "Nói cái gì?" để sang việc "Tại sao lại nói như vậy" mà không nói khác?

Ra mắt tập truyện ngắn của nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá ảnh 3

PGS.TS Văn Giá (phải) chia sẻ nhiều kỷ niệm với tác phẩm lần này.

Trong tọa đàm văn học nhân dịp ra mắt cuốn sách, nhiều nhà phê bình văn học, văn nghệ sĩ đã có những chia sẻ về tác giả, tác phẩm và nghề viết.

Giáo sư La Khắc Hòa - người thầy đáng kính của nhà văn Văn Giá cho rằng: Cuốn sách có giá trị riêng góp vào đời sống chung của văn học, xã hội. Ông đọc văn của học trò và nhận ra đó đích thị là người viết sau khi ra tập đầu tay.

Ra mắt tập truyện ngắn của nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá ảnh 4

Giáo sư La Khắc Hòa đã luôn dõi theo học trò từ bước đi đầu tiên với nghề.

Theo ông, cái mới trong tác phẩm của Văn Giá đó là tạo ra được hình tượng lời nói; tạo ra được những chuyện kể tình huống... Nhà văn miêu tả những gì xảy ra hằng ngày, tưởng chuyện của một người mà là chuyện của muôn đời muôn người. Bên cạnh đó, nhà văn tinh tế tạo ra hai vùng là vùng ký ức và vùng tiếp xúc.

Năm nay tôi đã vào tuổi sáu nhăm. Sau tuổi này không dám chắc một điều gì. Cuộc đời vốn rất vô thường, một khái niệm nhà Phật có nội hàm rộng lớn hơn cả khái niệm hư vô. Nên, tập sách này như một tri ân với gia đình, thầy cô, bạn bè, học trò... Tập truyện ngắn này như thể khép lại một chặng đường để rồi mở ra một chặng khác, phía trước, mịt mờ, không biết rồi sẽ thế nào..., nhưng vẫn cứ phải hướng tới.

Nhà văn Văn Giá

"Năm nay tôi đã vào tuổi sáu nhăm. Sau tuổi này không dám chắc một điều gì. Cuộc đời vốn rất vô thường, một khái niệm nhà Phật có nội hàm rộng lớn hơn cả khái niệm hư vô (đây cũng là một ý tưởng mà tôi ít nhiều đã có dụng ý thể hiện trong một số tác phẩm). Nên, tập sách này như một tri ân với gia đình, thầy cô, bạn bè, học trò... Tôi vẫn thường hay nói, tôi mang ơn khắp gầm trời này. Nếu không có họ, cũng không có một tôi như đang là. Tập truyện ngắn này như thể khép lại một chặng đường để rồi mở ra một chặng khác, phía trước, mịt mờ, không biết rồi sẽ thế nào..., nhưng vẫn cứ phải hướng tới", nhà văn Văn Giá chia sẻ.

PGS,TS Phùng Gia Thế (Đại học Sư phạm Hà Nội 2) nhận định: Bấy lâu, bạn đọc biết đến Văn Giá chủ yếu với tư cách nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Cho đến nay, ông đã in hàng chục tập tiểu luận - phê bình, chân dung văn học và giáo trình đại học, cũng là các tác phẩm chủ chốt tạo thành uy tín văn học của mình. Tiêu biểu trong số đó, có thể kể đến, chẳng hạn như: Một khoảng trời văn học (2000), Vũ Bằng - bên trời thương nhớ (2000), Đời sống và đời viết (2005), Viết cùng bạn viết (2010), Người khác và tôi (2010), Viết khi tâm đắc (2020), Sáng tác truyện ngắn (2014), Viết phê bình văn học (2021)…

Nhưng ông cũng là một cây bút sáng tác rất có duyên. Truyện ngắn Văn Giá là truyện của người kể. Nghĩa là, trong truyện Văn Giá, luôn có một người kể chuyện là nhân vật trung tâm. Nhiệm vụ của nó là kể chuyện mình, hoặc kể lại tất cả những chuyện mà mình nghe được hay quan sát được.

Nhân vật của Văn Giá dường như không tự thiết lập thành câu chuyện, nói chính xác hơn, nó không tạo thành "tính cách" một cách độc lập. Dường như, nếu không có một người kể "can dự" vào (kiểu "tôi kể anh nghe") thì nó không thể tự thân triển hiện. Điều này có nghĩa, khi nào người kể dừng kể thì cũng là lúc hết chuyện. Đây là một "hiểm địa" của người viết, nhưng đồng thời lại là điểm nhấn quan trọng nhất làm thành cái duyên Văn Giá trong truyện kể.

Ra mắt tập truyện ngắn của nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá ảnh 5

PGS,TS Phùng Gia Thế (giữa) phân tích rất kỹ lưỡng tập truyện ngắn.

Đọc Văn Giá, thấy người kể chuyện của ông luôn là kẻ ưa quan sát, thính nhạy, tinh đời và còn có một "Văn Giá kể chuyện người" và một "Văn Giá kể chuyện mình". Các tác phẩm chủ yếu là chuyện của người trí thức. Có thể xem đây là "mã", đồng thời là điểm nhìn để nhà văn quan sát, đánh giá, khởi sự và kết thúc câu chuyện.

Bên cạnh đó, ông viết nhiều chuyện quê, nhưng là chuyện quê qua cái nhìn anh trí thức phố, cái anh trí thức kẽ chân còn lấm bùn ruộng mạ, hết đời vẫn không hết thói quen quê, cách nghĩ quê, tình quê, nỗi buồn quê… Đây cũng là chỗ cốt tử của câu chuyện "ai nói" và "nói như thế nào"... Các tác phẩm tự nhiên trong cách kể, linh hoạt về thi pháp. Có lẽ đây là điểm cộng lớn nhất trong các sáng tác của ông.

Đại tá - nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: Văn Giá chân thành mộc mạc thầm thì khi mới xuất hiện. Ông viết về những con người đời thường, không chú tâm kỳ công xây dựng nhân vật điển hình. Ai đi vào những nhân vật thoáng qua nhưng vẫn bắt người ta nhớ. Đó là tài hoa của người viết. Văn ông đa thanh đa giọng cựa quậy bứt phá. Cái hấp dẫn của ông còn ở khẩu ngữ ở văn nói. Ông bước đi trên vai của mình và khác biệt người khác, khác biệt chính mình.