Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận, ý kiến tập trung vào các nội dung: thành tựu và hạn chế của công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật từ Đổi mới (1986) đến nay; các vấn đề lý luận phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay cần được quan tâm đi sâu; tình hình đội ngũ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay; phương thức đào tạo, tập hợp lực lượng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật theo nhu cầu của các chuyên ngành để đem lại hiệu quả cao…
Thời gian qua, phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật hay; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên, khích lệ những tìm tòi, sáng tạo.
Đại biểu Nguyễn Trung, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Theo đại biểu Nguyễn Trung, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, qua 38 năm đổi mới, âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đã trải qua nhiều biến đổi, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người trong xã hội mới.
Để có những thành tựu quan trọng ấy, lý luận phê bình âm nhạc đã có vai trò quan trọng trong việc đánh giá, định hướng và phát triển âm nhạc, góp phần quan trọng trong việc phân tích, đánh giá và truyền tải những giá trị nghệ thuật của các tác phẩm âm nhạc, nhất là các giá trị truyền thống dân tộc, yêu nước, cách mạng. Các nghiên cứu lý luận ngày càng được mở rộng về chiều sâu, từ âm nhạc cổ điển đến các thể loại đương đại.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận phê bình, trong đó có lý luận phê bình sân khấu là vô cùng cần thiết. Nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình sẽ góp phần thúc đẩy sáng tác, sáng tạo, tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật của công chúng
Nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của thành phố, đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chưa phát huy được tác dụng tích cực đối với đời sống văn học, nghệ thuật; một số ngành nghệ thuật còn thiếu vắng lực lượng chuyên gia về lý luận.
Bên cạnh đó, lý luận văn học, nghệ thuật ở các lĩnh vực có những biểu hiện già cỗi, xơ cứng, kém năng động, xa rời thực tiễn sáng tác. Lối phê bình cảm tính, bất chấp những hiểu biết về lý luận nghệ thuật đang có chiều hướng thịnh hành trong đời sống văn học, nghệ thuật.
Nhà báo Thanh Hiệp phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thực trạng lý luận phê bình sân khấu hiện nay cho thấy đã đến lúc phải nhìn nhận sự thật và nên bắt đầu từ vấn đề đào tạo. “Bồi dưỡng để phát triển đội ngũ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Vấn đề còn là tư chất, năng khiếu cảm thụ, kiến thức và năng lực, cá tính của người cầm bút. Thiếu những phẩm chất này thì có lẽ học cả đời cũng khó trở thành nhà lý luận phê bình” - Nhà báo Thanh Hiệp chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nâng cao chất lượng lý luận phê bình văn học nghệ thuật cần bắt đầu từ đào tạo, bởi nguồn nhân lực sẽ được cung cấp bằng con đường đào tạo.
Thành phố có thể đặt hàng cho việc nghiên cứu, biên soạn chương trình, nội dung đào tạo theo yêu cầu đối với chất lượng nhân lực; cần đổi mới nội dung chương trình hoặc đột phá, mở rộng thêm hướng đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phê bình.