Mang tâm lý ấy, tôi đọc tập truyện với cái nhìn đầy nghiêm cẩn, xem nhà nghiên cứu, phê bình Văn Giá đã viết truyện ngắn thế nào, xử lý các vấn đề thể loại ra sao, thử ngẫm nghĩ giá chỉ là nhà văn thôi liệu tác phẩm của anh có… khác?
Đọc văn mà chỉ chăm chăm xem nhân vật có giống tác giả không là cách đọc vô cùng… thiển cận, nhất là khi cả nhà văn và người đọc đều ý thức rất rõ về “cái chết của tác giả” và về sự không trùng khít giữa tác giả thực - tác giả ẩn tàng, giữa điểm nhìn người kể chuyện - điểm nhìn nhân vật và điểm nhìn tác giả. Thế mà thật lạ, tôi vẫn cứ cần mẫn tìm Văn Giá trong bất cứ câu chuyện nào anh kể, dù rõ mười mươi rằng tác giả không hề viết tự truyện và rất có ý thức đứng ngoài câu chuyện qua hình thức trần thuật ngôi thứ ba. Và rồi truyện nào tôi cũng thấp thoáng thấy anh, nhất là ở nhân vật Tuấn, nhân vật trở đi trở lại trong rất nhiều truyện ngắn (nghe đâu Văn Giá luôn đặt tên nhân vật chính là Tuấn rồi âm thầm tự đổi cho “lạ hóa” khi tác phẩm được thành hình…). Có anh trí thức thị thành gốc gác “nhà quê” chưa bao giờ mất gốc mang gương mặt Văn Giá trong các truyện ngắn “Làm u”, “Đêm ở làng”…). Có ông giáo sư chưa “tha hóa” trong các câu chuyện mua bán bằng, mua bán chữ với những ngẫm suy vừa hài hước vừa chua xót của nhà văn (“Mưa ở Bình Dương”…). Có cả cái nghệ sĩ, phóng túng, chút ít “lăng nhăng” muôn thuở của kiểu đàn ông vẫn còn đủ “lành” để nhung nhớ, để khát khao và để rồi, thôi… đành lòng vậy, cầm lòng vậy trong “Gió thơm”, “Cú sốc”… Truyện ngắn của Văn Giá không gây chú ý nhiều ở kỹ thuật viết, ở cấu trúc văn bản song lại gây ám ảnh bởi các chi tiết đắt, các tình huống thật - đùa lẫn lộn và nhất là ở cách kể, giọng kể. Những cái “thật” từ sự kiện, bối cảnh, tình huống, con người, tâm trạng, lời nói, ý nghĩ khiến truyện ngắn của Văn Giá có thể chốt lại trong một chữ thương. Thương cuộc sống, thương con người, với tất cả những đáng yêu và tội nghiệp của chính nó.
Trở lại với câu hỏi có tính tu từ ở tiêu đề, Văn Giá - Giá như chỉ là nhà văn? Giá Văn Giá chỉ là nhà văn, có lẽ anh sẽ viết nhiều hơn, hư cấu, thể nghiệm nhiều hơn và sẽ sớm xác lập tên tuổi, chỗ đứng trong đội ngũ các cây bút truyện ngắn Việt Nam thời hậu chiến. Nhưng nếu thật thế, biết đâu truyện của Văn Giá không còn những trải nghiệm, những chi tiết, tình huống đắt mà chỉ Văn Giá trong vai nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình mới có thể thấm thía để chưng cất và đưa vào tác phẩm.
(Tập truyện ngắn “Mưa ở Bình Dương”, Văn Giá, NXB Thanh Niên).