Cùng suy ngẫm

Thúc đẩy bình đẳng giới

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 29/11/2006 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Sau hơn 15 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới đã góp phần tăng cường nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cơ quan chức năng và xã hội về bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong những tổ chức nòng cốt, thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là vai trò quan trọng trong vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Nhằm đánh giá việc thực hiện cũng như làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách-pháp luật về bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tiến hành tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội.

Theo báo cáo tổng kết, công tác giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới của các cấp Hội ngày càng có chất lượng, đa dạng về hình thức và chú trọng theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị, đề xuất sau giám sát. Các cấp Hội đã chủ trì thực hiện được hơn 13.767 đợt giám sát; tham gia, phối hợp thực hiện hơn 9.150 đoàn giám sát liên ngành.

Giai đoạn 2007-2021, thông qua giám sát, Hội đã phát hiện gần 15 nghìn vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết được hơn 11.485 vụ việc. Đồng thời, tập trung phản biện xã hội các dự thảo luật, dự thảo văn bản quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý. Đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng có đông người theo tôn giáo, Hội đã xây dựng được hơn 100 mô hình đặc thù của phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ theo tôn giáo phát triển kinh tế gia đình.

Dù đạt được nhiều kết quả trong việc thu hẹp khoảng cách giới, thực hiện bình đẳng giới, nhưng trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản, đặc biệt là đối với nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, nông thôn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ di cư hồi hương còn chịu nhiều bất lợi khi tham gia thị trường lao động.

Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện bình đẳng giới tuy có quy mô rộng khắp, nhưng chưa đồng đều, thường xuyên, thiếu tính chiến lược, chưa thật sự đồng bộ giữa các cấp và các địa phương. Hoạt động thực hiện chức năng đại diện của Hội chủ yếu tập trung ở cấp Trung ương; thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới vẫn là một nhiệm vụ khó khăn đối với các cấp Hội ở địa phương, nhiều nơi còn lúng túng, kết quả chưa nổi bật, rõ rệt.

Một số cơ sở Hội chưa chủ động trong công tác phối hợp ngành Tư pháp và các cơ quan chức năng, cho nên việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em gái khi bị xâm hại vẫn chưa được quan tâm đúng mức…

Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững cũng như đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn về bình đẳng giới, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai và tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới theo hướng đổi mới mạnh mẽ sao cho phù hợp, thích ứng từng nhóm hội viên, phụ nữ và nhân dân; thực hiện bình đẳng giới phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ; tạo điều kiện để phụ nữ phát huy được khả năng của chính mình, có sự thay đổi tích cực trong tư duy, nhận thức cũng như đời sống kinh tế của bản thân và gia đình.

Đồng thời, đẩy mạnh tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần nắm chắc, hiểu sâu, bám sát tình hình hội viên, phụ nữ để làm tốt việc tham mưu cấp ủy và phối hợp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tham gia công tác quản lý nhà nước của cán bộ nữ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái…