Chiều 1/6, tại phiên họp ở hội trường Quốc hội, giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của Quốc hội, đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ trưởng, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo và ban hành 16 Nghị quyết, 6 Công điện, 2 Chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ cùng các bộ trưởng đôn đốc công tác giải ngân.
Các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 7 Công điện, 6 văn bản đôn đốc, hướng dẫn và trực tiếp làm việc với nhiều địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn.
Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân của các năm gần đây đã có tiến bộ rất tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tỷ lệ giải ngân của năm 2022 đạt 91,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp đạt tỷ lệ giải ngân hơn 90%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này đạt 22,22%, tương ứng với cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng giá trị tuyệt đối cao hơn 35,5% (41 nghìn tỷ đồng).
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận của Quốc hội chiều 1/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
“Tinh thần chung, Thủ tướng Chính phủ vẫn chỉ đạo quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch năm nay. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ đang rất quyết tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cho được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, có thể kể đến chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của Ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế…
Theo Bộ trưởng, riêng năm 2023 có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 23%, tương ứng 130 nghìn tỷ đồng); các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài...
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số giải pháp như rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát tại địa phương, ngành, đơn vị mình, qua đó cùng giúp Chính phủ cải thiện công tác này trong thời gian tới.