Quyết tâm giải phóng mặt bằng thi công các dự án trọng điểm

Thiếu mặt bằng thi công là nguyên nhân chính khiến các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố chậm tiến độ thời gian dài. Hiện các địa phương và chủ đầu tư đang quyết tâm tháo gỡ vướng mắc này để sớm đưa các dự án về đích.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè ngưng trệ thi công ba năm qua, trong tháng 9 sẽ tiếp tục được thi công do đã gỡ vướng về mặt bằng.
Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè ngưng trệ thi công ba năm qua, trong tháng 9 sẽ tiếp tục được thi công do đã gỡ vướng về mặt bằng.

Tại buổi lễ bàn giao mặt bằng của UBND huyện Nhà Bè cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) để tiếp tục thực hiện công trình xây dựng cầu Long Kiểng mới đây, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, đơn vị chủ đầu tư thở phào: “Ba năm ngưng trệ vì chờ mặt bằng nên cầu Long Kiểng chỉ dừng lại ở bảy trụ cầu. Nay người dân đồng ý bàn giao mặt bằng. Ban Giao thông cam kết sẽ hoàn thành xây dựng cầu Long Kiểng vào tháng 12/2023”. Đến ngày 29/8, 101 hộ dân hoàn tất công tác di dời và bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu Long Kiểng có tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng.

Ngay trong tháng 9, chủ đầu tư cùng huyện Nhà Bè sẽ ký bàn giao mặt bằng cho dự án để tập trung thi công. Được khởi công vào tháng 8/2018, công trình cầu Long Kiểng nối hai xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè) khi hoàn thành sẽ thay thế cho cây cầu cũ bằng sắt ọp ẹp, không bảo đảm giao thông đi lại, nhất là ở khu vực dân cư đông đúc đang trong quá trình đô thị hóa. Công trình này cũng là sự mong đợi trong một thời gian dài của người dân và chính quyền địa phương vì dự án xây dựng cầu Long Kiểng được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư từ năm 2001 nhưng vì nhiều nguyên nhân mà đến tháng 8/2018 công trình mới khởi công.

Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành năm 2020, nhưng vướng mặt bằng nên ngưng trệ đã ba năm nay. Là một trong những hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cầu Long Kiểng từ những ngày đầu khởi công, ông Võ Hồng Minh (ngụ xã Phước Kiển) xót xa xen lẫn lo lắng vì mỗi ngày đi qua cây cầu cũ xuống cấp với tâm trạng bất an, trong khi nhìn qua công trình cầu mới cứ ròng rã “đắp chiếu”. Song, thông tin hơn 100 hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 8 khiến ông Minh và nhiều hộ dân ở đây vui mừng, đồng thời, mong sớm được đi trên cây cầu mới khang trang, sạch đẹp, an toàn hơn.

Với quyết tâm giải quyết vướng mắc “muôn thuở” là công tác giải phóng mặt bằng, một số chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt để cùng chủ đầu tư tháo gỡ nút thắt này. Đơn cử, thành phố Thủ Đức đang thu xếp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tiếp tục thi công các cây cầu bị “đóng băng” hơn bốn năm qua như cầu Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu. Trong đó, dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai khởi công từ tháng 12/2017, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành năm 2019 nhưng đến nay mới đạt hơn 30% khối lượng. Nguyên nhân chính, theo Ban Giao thông thành phố là bị vướng giải phóng mặt bằng. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức cho biết, đơn vị đang phấn đấu để chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân còn lại trong tháng 11 và 12/2022, sau đó bàn giao mặt bằng cho đơn vị chủ đầu tư để tiếp tục thi công công trình vào cuối năm 2022.

Ngoài ra, một công trình giao thông trọng điểm được chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng và bàn giao mặt bằng là dự án mở rộng đường Tân Kỳ-Tân Quý, quận Bình Tân với chiều dài gần 2km. Dự án có tổng mức đầu tư gần 238 tỷ đồng. Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho hay, quận phấn đấu đến ngày 30/9/2022 sẽ bàn giao mặt bằng cho Ban Giao thông (đạt 50%), đến cuối năm 2022 bàn giao phần mặt bằng còn lại để đơn vị thi công dự án với tổng số 380 trường hợp bị thu hồi đất. Dự kiến công trình sẽ được thi công hoàn thành sau 12 tháng khi được bàn giao đủ mặt bằng.

Ông Lương Minh Phúc nhìn nhận, qua công tác thi công những công trình giao thông nêu trên cho thấy, chính quyền đã đồng hành với chủ đầu tư, đánh dấu một giai đoạn mới trong cách làm cũng như quyết tâm giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, việc điều chỉnh về chính sách và hệ số đất cao hơn hẳn so với trước đây, theo hướng tiệm cận giá thị trường của UBND thành phố cũng đã tạo thuận lợi lớn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương... Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thông tin, chi phí giải phóng mặt bằng ở các dự án rất lớn, thường chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư, lại tốn nhiều thời gian thực hiện các thủ tục mới có thể bàn giao.

Trong cơ cấu tổng vốn đầu tư công trung hạn toàn Thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh vực giao thông chiếm hơn 34%. Nhưng thống kê cho thấy trên địa bàn thành phố, tỷ lệ giải ngân các dự án mới đạt 26%, trong đó, có 100 dự án giải ngân 0 đồng. Do đó, những giải pháp tháo gỡ nút thắt về mặt bằng thi công mà các cơ quan chuyên môn và địa phương đang đẩy nhanh được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh.