Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 7 vừa qua, toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu suốt đời vì dân vì nước; nhà lãnh đạo thể hiện đầy đủ tài năng, phẩm chất, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn Lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi ân cần đến gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do lũ lụt, sạt lở vừa qua ở những vùng miền bắc, miền trung.
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nêu rõ, trước yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị quyết định họp Trung ương để kiện toàn chức danh Tổng Bí thư ngày 3/8 vừa qua. Trung ương đã thống nhất bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối 100%.
Về một số điểm nổi bật của tháng 7 và 7 tháng, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, trong đó có 3 điểm đáng lưu ý: biến động chính trị, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang (Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza); kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi chậm và thiếu vững chắc, thiếu đồng đều với giá đôla Mỹ, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia; FED chưa cắt giảm lãi suất; già hóa dân số, thiếu hụt lao động, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai ảnh hưởng nặng nề, tiếp tục là khó khăn, thách thức toàn cầu; đặc biệt, thế giới đã trải qua những ngày nóng nhất lịch sử trong tháng 7 vừa qua.
Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn nhất là đối với nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng gây ảnh hưởng lớn ở bên trong.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6; tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Chúng ta cùng nhau phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, phải chăng đó là công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế? Hay nói như báo chí quốc tế vừa bình luận, đó là sự quản lý, điều hành, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương. Do đó, chúng ta cần phân tích thêm điểm này để tìm nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nêu một số điểm nổi bật: tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, có thặng dư. Điều đáng mừng là 60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng; nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tích cực; tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; cải cách thủ tục, hành chính được đẩy mạnh, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước ta tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cũng nhìn nhận thẳng thắn: kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, nhất là sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh nhiệm vụ; an ninh trật tự trên một số địa bàn tiềm ẩn phức tạp; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Điều đáng ghi nhận là vừa qua, chúng ta đã tăng lương cơ sở, đây là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước. Để thực hiện điều này, Chính phủ đã tiết kiệm chi, tăng thu, cơ cấu lại thu chi, đầu tư để tiết kiệm khoảng 700 nghìn tỷ đồng cho việc tăng lương cơ sở vừa qua. Điều đáng mừng là chúng ta kiểm soát được tình hình, lạm phát tăng không đáng kể như đối với các nhóm hàng hóa xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng.
Phiên họp này nhằm tập trung phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những mặt được, chưa được, bài học kinh nghiệm cho nhiệm vụ tháng 8 và thời gian tới; Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, công sức, đóng góp ý kiến, nhất là đánh giá những mặt được, nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quản lý , điều hành. Nêu những bài học hay, điển hình tiên tiến để tạo ra động lực, thí dụ như công tác xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 là một cách làm hay, đột phá; dự báo tình hình thời gian tới, nhất là tháng 8 và từ nay đến cuối năm để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 7% không? Muốn vậy, hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương phải làm gì để phải tạo đột phá?
Phải chăng là phải quyết liệt tháo gỡ về thể chế, tổ chức thực hiện tốt các Luật đã được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua?
Phải chăng các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động hơn nữa, phải phản ứng chính sách tốt hơn; tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới…?
Thủ tướng yêu cầu thực hiện với tinh thần phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, tăng cường giám sát, kiểm tra, thi đua khen thưởng, xử lý phải kịp thời. Chú trọng các nội dung cụ thể, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm tốt công tác chuẩn bị Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng đề nghị việc soạn thảo Nghị quyết phiên họp này phải ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết tháng 8, quý III, từ nay đến cuối năm; bảo đảm dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ giám sát…
* Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 0,7% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Cả nước có 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so tháng 6 và tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so tháng trước và giảm 1,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 40,2% và tăng 23,6%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).
Các đại biểu tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so tháng trước và tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so tháng trước và tăng 19,1% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đánh giá kết quả kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh tình hình tiếp tục xu hướng tích cực, nhìn chung kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu không thay đổi mục tiêu đã đề ra; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bảo đảm các cân đối lớn, có thặng dư cao hơn; kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Muốn thực hiện tốt các mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “tháng sau phải tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước”. Do đó, Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nắm chắc tình hình, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phản ứng chính sách kịp thời, thực hiện hiệu quả, tránh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tập trung trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Phải phân công với tinh thần nỗ lực cao, quyết tâm phải lớn, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; làm tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời.
Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Chính phủ từng bộ, cơ quan địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về quan điểm chỉ đạo điều hành: tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính phải nỗ lực tăng thu, mở rộng nguồn thu, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho các việc lớn, công trình trọng điểm, không làm việc nhỏ, công trình nhỏ; không dàn trải dẫn đến kém hiệu quả; triển khai hiệu quả chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Các Bộ: Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu, xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở, điện…; chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý (giáo dục, y tế) theo thị trường nhưng phải có lộ trình. Kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống; không được để thiếu thuốc, các sinh phẩm y tế.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bảo đảm chất lượng, tiến độ với tinh thần trọng tâm, trọng điểm, đầu tư của Nhà nước tập trung cho các công trình liên vùng, liên quốc gia, kết nối quốc tế. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Về đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì: đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.
Về xuất khẩu, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp.
Về tiêu dùng, Bộ Công thương chủ trì đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt (gắn với hoá đơn điện tử, thu thuế). Có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ như chíp bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo đột phá trong các lĩnh vực này; trong đó lưu ý: xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển kinh tế xanh (thị trường tín dụng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn…); nghiên cứu các gói chính sách với quy mô lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ.
Các Bộ: Giao thông vận tải, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, nhất là chuẩn bị tổ chức khánh thành Dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối trong dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; phấn đấu đến hết năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km đường cao tốc.
Khẩn trương phân bổ 26,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại; theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước ngày 15/8/2024.
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung; báo cáo Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp chủ trì).
Khẩn trương ban hành Nghị định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho chi đầu tư (để sửa chữa, nâng cấp công trình dưới 15 tỷ đồng) và Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, Luật Đấu thầu… và các quy định pháp luật không còn phù hợp dưới hình thức một luật sửa nhiều luật. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó lưu ý 4 vấn đề: về tổ chức, hoạt động, cơ chế quản lý tài chính, cơ chế xử lý rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Bộ Tài chính chủ trì); phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB (Ngân hàng Nhà nước chủ trì); phương án xử lý Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; Đề án tổng thể xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì), nỗ lực bảo đảm hoàn thành trước ngày 15/8/2024.
Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; trong đó lưu ý 5 nhiệm vụ:
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, lưu ý không để ai không có nhà ở, không để ai bị đói, rét; làm tốt công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm xuất cấp gạo hỗ trợ kịp thời.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh vận động, ủng hộ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức vận động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho phong trào này.
Bộ Y tế giải quyết tốt, thúc đẩy 3 dự án Bệnh viện tuyến trung ương đặt ở Hà Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới; phát huy tinh thần vừa qua, nỗ lực không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường nắm tình hình; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia: tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội…