Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn

NDO - Chiều 15/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; 147 doanh nghiệp nhà nước và 5 ngân hàng thương mại nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được tham dự Hội nghị; đánh giá chủ đề Hội nghị cũng là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta; nhấn mạnh, cách đây hơn 3 tháng, chúng ta đã tổ chức hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu năm mới với các doanh nghiệp nhà nước, qua đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước nắm nguồn lực lớn, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, an sinh xã hội, tiên phong đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đổi mới, đầu tư các dự án trọng điểm ở các địa phương, các vùng kinh tế của cả nước.

Vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023. Trong thành tựu chung đó rất đáng khích lệ, có sự nỗ lực, đồng hành, đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân nói chung, nhất là doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Thủ tướng nêu rõ, trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19, cũng như trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch từ năm 2023 đến nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm các cân đối lớn, cung cầu, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, phục hồi kinh tế-xã hội.

Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định 3 trụ cột, trong đó có thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, kinh tế nhà nước là chủ đạo, có thể can thiệp khi tình hình không bình thường. Điều này càng khẳng định, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Vì vậy, chúng ta vẫn phải xây dựng các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Các tập đoàn năng lượng như EVN, PVN, TKV cơ bản làm nòng cốt trong bảo đảm an ninh năng lượng, điều tiết trong lĩnh vực điện, xăng dầu… Nếu chúng ta không có công cụ này thì khó điều tiết. Các nền kinh tế lớn cũng chịu tác động lớn về giá cả năng lượng do kinh tế thị trường vì kinh tế thị trường cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Trong khi đó, Việt Nam vẫn cơ bản kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Các tập đoàn viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiPhone duy trì cung cấp dịch vụ viễn thông, điều chỉnh giảm giá cước viễn thông, hỗ trợ bảo đảm khả năng tiếp cận viễn thông của người dân. Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay thì các tập đoàn viễn thông này có vai trò hết sức quan trọng.

Các tổng công ty lương thực như Vinafood 1 và 2 đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực trong nước, nhất là hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong đại dịch Covid-19. Nền kinh tế không thể thiếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước. Những lĩnh vực này có các doanh nghiệp nhà nước vừa tham gia kinh doanh, vừa tham gia bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm công bằng xã hội, cũng như còn nhiều các doanh nghiệp nhà nước đang sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực khác, bảo đảm đời sống nhân dân. Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng có vai trò quan trọng như vậy…. Các doanh nghiệp nhà nước đã góp phần bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh thuận lợi đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn như áp lực lớn về lạm phát, giá điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục có thể tăng vì biến động nguồn cung trên thế giới; nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách trong nước tăng khi đang mùa cao điểm nắng nóng và dịp hè.

Thủ tướng nêu thí dụ, cùng thời điểm này năm ngoái thì bị thiếu điện cục bộ nhưng năm nay, dù nhu cầu tiêu thụ điện dịp này tăng hơn 12% so cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Thủ tướng cũng nêu rõ, thị trường tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn, tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao, quản lý thị trường vàng còn bất cập, sản xuất công nghiệp còn chậm, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, nặng nề hơn năm trước.

Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn ảnh 2

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Nhấn mạnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột kéo dài, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tác động kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng trong nước…, Thủ tướng nêu rõ, dân tộc ta càng đối mặt với khó khăn, phức tạp thì càng trỗi dậy, càng áp lực thì càng nỗ lực; dù nhiều thử thách, cam go nhưng đây cũng là quá trình thử thách đội ngũ cán bộ. Mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị đạt kết quả cao thì cả nước đạt kết quả cao và ngược lại. Nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất, cùng nhau chia sẻ thì tạo nên sức mạnh của hệ thống. Trong lúc này, cần thực hiện tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Tại hội nghị này, chúng ta đánh giá tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhưng vẫn phải tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, hoá giải các khó khăn, thách thức.

Thủ tướng mong muốn thống nhất về nhận thức những vấn đề khó khăn, thuận lợi, từ đó thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, tìm giải pháp phù hợp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, là tiền đề thực hiện các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra cho nhiệm kỳ này. Đây là một trong những điều Chính phủ muốn gửi gắm, muốn chia sẻ các doanh nghiệp nhà nước với tinh thần “cùng nghĩ thật, cùng nói thật, cùng làm thật, cùng có kết quả thật, nhân dân hưởng thụ thật”. Doanh nghiệp làm tốt các ngành nghề, sứ mệnh được giao sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc như chúng ta đã cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19.

Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn ảnh 3

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng mong các doanh nghiệp nhà nước hiến kế, đưa ra nhiệm vụ giải pháp đạt 2 mục tiêu quan trọng vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 605 doanh nghiệp nhà nước gửi báo cáo (chiếm 90% trong tổng số 676 doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc) cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch.

Cụ thể: tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước năm 2023 là 1.652.442 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch được phê duyệt. Trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương là 1.462.725 tỷ đồng, khối doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương là 189.717 tỷ đồng. Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu (của công ty mẹ, chưa tính hợp nhất) đạt 1.304.757 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.

Về chỉ tiêu lợi nhuận: tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước tính đến cuối năm 2023 là 125.847 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch được phê duyệt. Trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương là 101.909 tỷ đồng, khối doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương là 23.938 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận cao như: Tập đoàn Viettel, Tổng công ty SCIC (đạt 255% so với kế hoạch).

Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn ảnh 4

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Về đóng góp ngân sách Nhà nước: tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 166.218 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.

Trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương là 115.764 tỷ đồng, khối doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương là 50.454 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp nhà nước năm 2023 là 60.275 tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch phê duyệt. Trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương là 46.306 tỷ đồng, khối doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương là 13.969 tỷ đồng.

Đối với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước trong năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, về cơ bản các doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính, có thế mạnh để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đã được phê duyệt. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được nhiều kết quả khả quan, bảo đảm được đời sống, thu nhập của người lao động.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 823.217,18 tỷ đồng, bằng 61,63% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 28.294,65 tỷ đồng, bằng 47,28% kế hoạch năm và bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 70.784,50 tỷ đồng, bằng 61,77% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ. Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách lớn nhất trong số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó, doanh thu hợp nhất đạt 74.933 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 19.723 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 22.387 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con: các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn này chủ yếu hoạt động trong các ngành ngành, lĩnh vực độc quyền, công ích kết hợp mục tiêu sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 16% tổng số doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc): năng lượng, viễn thông, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nông nghiệp và công nghiệp... Khối công ty mẹ Tập đoàn - Tổng công ty, công ty mẹ - công ty con này nắm giữ trên 90% tổng tài sản, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc.

Tại thời điểm đầu năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm 2022. Trong đó riêng khối các tập đoàn, tổng công ty, Công ty mẹ - con có tổng tài sản là 3.511.993 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước. Tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước đạt 1.807.999 tỷ đồng. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, Công ty mẹ - con là 1.621.006 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm 2022, chiếm 90% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước.

Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn ảnh 5

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tổng hợp một số chỉ tiêu tài chính hợp nhất của 60 công ty mẹ - công ty con trong giai đoạn 2020-2023 cho thấy một số kết quả đáng ghi nhận về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước như sau: về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và đóng góp ngân sách nhà nước: Về tổng doanh thu: trong giai đoạn 2020-2023, tổng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước có xu hướng tăng mạnh từ 1.618.382 tỷ đồng năm 2020 tăng lên 1.788.089 tỷ đồng năm 2021, tăng lên 2.304.998 tỷ đồng năm 2023.

Về lợi nhuận trước thuế: trong giai đoạn này, tổng lợi nhuận của 60 doanh nghiệp nhà nước có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn 2020-2023 (tăng 10.234 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023), từ 127.912 tỷ đồng năm 2020 tăng lên 172.575 tỷ đồng năm 2021, 179.200 tỷ đồng năm 2022 và ghi nhận giảm nhẹ còn 137.146 tỷ đồng năm 2023. Một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận cao trong giai đoạn gồm: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)...

Về thuế, cổ tức, lợi nhuận và các khoản đã nộp ngân sách Nhà nước: có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2023 (tăng 167.155 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023), từ 307.614 tỷ đồng năm 2020 tăng lên 318.741 tỷ đồng năm 2021, 329.131 tỷ đồng năm 2022 và đạt 474.769 tỷ đồng năm 2023. Trong giai đoạn này, một số tập đoàn, tổng công ty phát sinh lỗ do ảnh hưởng của Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ chính trị như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, EVN…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp nhà nước đã trình bày các khó khăn, thách thức, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; kinh nghiệm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp hiệu quả cho cho kinh tế và an sinh xã hội, thực sự giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành cũng đã giải đáp các kiến nghị của các doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các doanh nghiệp nhà nước; cho biết, Tổng Bí thư mong muốn các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, gặt hái thành công lớn hơn nữa, thực hiện tốt trọng trách với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần cầu thị của các doanh nghiệp; bày tỏ cảm ơn, tri ân các doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là 5 tháng đầu năm 2024; mong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tham mưu kịp thời cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, làm tốt công tác an sinh xã hội. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, đối diện khó khăn, thách thức, vai trò doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là công cụ hữu hiệu, định hướng, dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội, phát hiện các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.

Thủ tướng khẳng định, doanh nghiệp nhà nước góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Có những doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh, vươn ra khắp cả nước. Khu vực doanh nghiệp nhà nước từng bước chuyển mình trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín trong nước và thế giới. Một số doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Thủ tướng, nhìn chung, những cái được của doanh nghiệp nhà nước là rất cơ bản thời gian qua.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta thẳng thắn thừa nhận hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, khuyết điểm: khai thác tài sản chưa tương xứng với tổng số vốn được giao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, từ đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ; khu vực doanh nghiệp nhà nước nhìn chung tồn tại chậm trễ về cơ chế, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, mở đường; số lượng doanh nghiệp nhà nước không còn nhiều, còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải xin phép nhiều thủ tục hành chính; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới; hiệu quả đầu tư phát triển tổng thể chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án lỗ luỹ kế lớn, một số doanh nghiệp chưa tối ưu được hiệu quả nguồn vốn, một số dự án tồn đọng kéo dài; năng lực cạnh tranh, đổi mới khoa học-công nghệ còn lạc hậu so xu thế phát triển; công tác điều hành quản trị kinh doanh chưa đổi mới, chưa hướng theo thông lệ quốc tế; chế độ đãi ngộ chưa tạo động lực; năng lực quản trị, đầu tư còn thiếu, yếu…

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc, là tiền đề quan trọng hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thời gian từ nay đến lúc đó không còn nhiều, do đó chúng ta phải phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 3 năm qua, khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, bất cập.

Thủ tướng nêu bật một số định hướng: luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước; phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện sứ mệnh cao cả này; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, tập trung vào các động lực tăng trưởng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); triển khai hiệu quả các đề án, cơ cấu lại chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, kế hoạch phát triển hằng năm, kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt.

Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán đúng thời hạn quy định. Có chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm như đạt toàn các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập của người lao động; chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước căn cơ, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hóa phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; chú trọng đổi mới công tác cán bộ; tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao; xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tốt các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.

Theo Thủ tướng, nếu doanh nghiệp nhà nước không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường, trong đầu tư phát triển, dẫn dắt trong phát triển kinh tế-xã hội thì thành phần kinh tế có thể làm? Ưu tiên hình thành phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết 29 của Trung ương xác định rõ xây dựng và phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn trong nước hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược.

Thủ tướng mong muốn mỗi một bộ, ngành “cần có 1 Viettel”, mỗi tỉnh, thành phố “cần có 1 Becamex” là chúng ta có những tập đoàn kinh tế mạnh. Mô hình đã có, vấn đề là cần được nhân rộng ra. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã xác định nghiên cứu chính sách đột phá để hình thành phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn có năng lực cạnh tranh tầm quốc tế, có thương hiệu vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đề nghị các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích lũy, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt “5 tiên phong”: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.

Đối với một số số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện, xăng dầu, than phải đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế; Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải bảo đảm cung ứng điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để làm tốt việc này thì vấn đề quan trọng là điều hành, con người và tổ chức thực hiện trong bối cảnh yêu cầu cao hơn, tình hình phức tạp hơn. Các doanh nghiệp tự soi, tự sửa, tự vươn lên.

Trong lĩnh vực cung ứng lương thực, thực phẩm, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt thị trường, phối hợp chặt chẽ triển khai Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; về vấn đề này, Thủ tướng đồng ý việc sẽ tổ chức hội nghị 3 bên Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đối với nhóm các doanh nghiệp nhà nước cung ứng dịch vụ công ích, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cấp nước sạch, chống ngập úng; nghiên cứu các giải pháp miễn giảm phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như nước, viễn thông, chi phí cất hạ cánh…. Vấn đề là quản lý thu chi cần làm tốt, tăng cường quản lý bằng hóa đơn điện tử, bảo đảm minh bạch.

Các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực đô thị tập trung cho phát triển căn hộ nhà ở xã hội, nhất là năm nay phải hoàn thành đầu tư phát triển 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại nhà nước triển khai quyết liệt tiên phong trong việc giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế vùng.

Đối với các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng đề nghị quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp hưởng thụ thật”, “nói ít làm nhiều" đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện phải "cân, đong, đo, đếm" được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nỗ lực hơn nữa, bám sát tình hình quốc tế và khu vực, diễn biến trong nước và hoạt động của doanh nghiệp để luôn đổi mới; ưu đãi để phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên; tiên phong trong tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế, chính sách, rà soát các thủ tục pháp lý.

Bộ Nội vụ kết hợp Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, đề xuất công tác cán bộ, tổ chức hợp lý, mang tính đặc thù của doanh nghiệp, hài hòa trong tổng thể hệ thống chính trị, nhưng phải đặt dưới lãnh đạo của Đảng.

Bộ Tài chính sớm nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết 68, đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động theo thực hiện Nghị quyết 68, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, tổng kết mô hình hoạt động; phát huy vai trò quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp; đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt vai trò, thực hiện tốt trách nhiệm được giao với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp nhà nước, mà cả các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng với vai trò nòng cốt sử dụng, quản lý vốn khổng lồ, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, 5 tháng đầu năm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vươn lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển”, “biến không thành có, không thể thành có thể”, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".