Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát

Quý I/2024, kinh tế - xã hội quý I/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhờ kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, kiểm soát tốt chỉ số lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so cùng kỳ năm trước

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2024, sáng 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bà Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế - xã hội quý I/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

Tổng cục Thống kê chỉ rõ, trong mức tăng chung của nền kinh tế, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2024 tăng 2,81% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; Sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế…

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát ảnh 1
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so cùng kỳ năm trước.
Nguồn: TTXVN

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân

Theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so tháng trước. Tuy nhiên, so với tháng 12/2023, CPI tháng 3 tăng 1,12% và so cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá và 4 nhóm hàng tăng giá.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, các yếu tố làm tăng CPI trong quý I năm 2024 so cùng kỳ năm trước là giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo quý I/2024 tăng 21,71% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023…

Đặc biệt, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 04/5/2023 và ngày 09/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I/2024, đó là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2024 giảm 0,76% so tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực giảm 0,42% do giá gạo trong nước giảm theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân giảm sau Tết Nguyên đán; nhóm thực phẩm giảm 1,19%, trong đó giá thịt lợn giảm 2,17%, giá thịt bò giảm 1,3%, giá thịt gia cầm giảm 1,7%... Như vậy, so cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2024 tăng 3,97%...

Đại diện Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0,03% so tháng trước và tăng 2,76% so cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát ảnh 2

Trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Theo bà Nguyễn Thị Hương, trong quý I/2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga – Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ. Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể tạo nên cú sốc cho lạm phát. Lạm phát của Mỹ tháng 2/2024 tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong nước, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Cùng với đó, nhiều giải pháp được triển khai trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hằng năm, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.