Xuất phát từ thực tế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Quyết định này quy định rõ ràng về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay..., quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay bao gồm: Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất; nguồn vốn ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Có thể thấy, Quyết định số 22 là một chính sách rất mới, nhân văn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn và có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cũng là lần đầu chúng ta có cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi để học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo lập cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Để triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ thống nhất, hiệu quả, Bộ Công an, cơ quan chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện cần nhanh chóng chỉ đạo công an các địa phương phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Quyết định số 22 có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thật sự đi vào trong thực tế đời sống; tham mưu hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; phối hợp chặt chẽ Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ.
Ngân hàng Chính sách xã hội là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đồng thời, chủ động bảo đảm nguồn vốn cho vay.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm thường xuyên tổ chức giám sát để việc thực hiện chính sách theo đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân các địa phương cần quan tâm, chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, bảo đảm đủ nguồn vốn cho vay.
Ngoài ra, không thể thiếu sự hỗ trợ đắc lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh để họ chấp hành đúng cam kết khi vay vốn; sử dụng có hiệu quả vốn vay, tạo của cải vật chất, thu nhập cho bản thân và đóng góp cho xã hội; chủ động nắm chắc tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù, người có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương quan tâm, hỗ trợ họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.