Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam hơn 256 triệu USD trong công tác phòng, chống lao

NDO - Bệnh viện Phổi Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên được tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2004. Gần 20 năm qua, những đóng góp của Quỹ Toàn cầu cho hoạt động phòng, chống lao tại Việt Nam là hơn 256 triệu USD.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Sáng 9/5, Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Trong những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Quỹ Toàn cầu và ngành y tế Việt Nam có nhiều kết quả tốt đẹp. Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2003. Tính đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.

Đến cuối năm 2022, Quỹ Toàn cầu đã thông báo trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trên 130 triệu USD để phòng, chống 3 bệnh này và tăng cường hệ thống y tế…

Bệnh viện Phổi Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên được tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2004. Đến nay, những đóng góp của Quỹ Toàn cầu cho hoạt động phòng, chống lao tại Việt Nam giai đoạn 2004-2023 là hơn 256 triệu USD.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các hoạt động của Quỹ Toàn cầu chủ yếu tập trung vào việc phát hiện bệnh nhân lao kháng đa thuốc; phát hiện và điều trị bệnh nhân lao thường, lao kháng đa thuốc, lao nhạy cảm, lao trẻ em; tăng cường kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện và điều trị lao như mua máy xét nghiệm GeneXpert cung cấp cho 63 tỉnh, thành phố; hỗ trợ kinh phí mua thuốc kháng lao hàng 2; nâng cao năng lực của cán bộ y tế các tuyến trong khám, phát hiện, điều trị bệnh lao…

Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam hơn 256 triệu USD trong công tác phòng, chống lao ảnh 2

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng phát biểu tại buổi làm việc với đại biểu Quỹ Toàn cầu.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia cho rằng, Quỹ Toàn cầu phòng chống Lao, HIV và Sốt rét đã trở thành một trong những nguồn viện trợ quan trọng, đóng góp cho hoạt động chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh lao tại Việt Nam, góp phần không nhỏ vào những thành tựu mà Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam đã đạt được.

Viện trợ của Quỹ Toàn cầu đã đồng hành và hiện diện rõ nét trên chặng đường thành công phòng, chống lao ở Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, Chương trình Chống lao Quốc gia, Việt Nam đã là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do lao vào năm 2015; phát hiện và điều trị trung bình cho hơn 100.000 bệnh nhân lao mỗi năm với tỷ lệ khỏi bệnh cao; cứu sống được trung bình 50.000 bệnh nhân lao mỗi năm, được thế giới đánh giá mô hình điểm bước vào con đường chấm dứt bệnh lao.

"Việt Nam cũng đã ra khỏi danh sách của 30 quốc gia có gánh nặng cao nhất về lao/HIV từ sau năm 2015, tỷ lệ HIV dương tính trong bệnh nhân lao đã giảm xuống còn 3% năm 2021", Tiến sĩ Đinh Văn Lượng chia sẻ.

Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020 là năm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Mặc dù đạt được nhiều thành công, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.

Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chương trình chống lao phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật Kế hoạch chiến lược phòng chống lao Quốc gia, và điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Bình Hòa cho biết, hiện chúng ta mới chỉ phát hiện bệnh nhân lao và đưa vào điều trị khoảng 60%, còn khoảng 40% (khoảng 50.000) số bệnh nhân chưa được phát hiện và báo cáo, họ vẫn ở trong cộng đồng.

Theo ông Hòa, sở dĩ bệnh lao chưa chấm dứt trên thế giới vì rất nhiều bệnh nhân lao nhưng không có triệu chứng. Ước tính khoảng 40-60% bệnh nhân lao dù có bằng chứng vi khuẩn, là nguồn lây, nhưng thời điểm phát hiện chưa có triệu chứng. Nên để phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng cần kết hợp các biện pháp phát hiện thụ động và chủ động, người dân nếu có nguy cơ cần chủ động đi khám.

Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia - Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng cam kết nguồn kinh phí viện trợ quý báu của Quỹ Toàn cầu để triển khai các hoạt động phòng, chống lao sẽ được sử dụng hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.