Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.
2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Để có thể tiếp cận và ghi nhận được 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, cũng như bảo đảm tất cả các nhóm dễ bị tổn thương, nguy cơ cao và cộng đồng nói chung đều có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến, bệnh nhân lao có lâm sàng phong phú, nhiều khi rất khó cho bác sĩ định hướng để chẩn đoán bệnh. Điều đó cần có các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh.
Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp phát hiện bệnh lao. Tuy nhiên, các phương pháp phát hiện vi khuẩn bệnh lao truyền thống như: chụp X-quang phổi, nuôi cấy hay phản ứng hóa học Mantoux, AFB nhuộm Ziehl-Neelsen... có những hạn chế về thời gian chờ kết quả lâu, độ chính xác chưa cao, tỷ lệ phát hiện vi khuẩn thấp...
Khắc phục những hạn chế này, sự ra đời của nhóm xét nghiệm sinh học phân tử gồm xét nghiệm NTM/MTB Realtime PCR, MTB TRC Ready, GeneXpert đã tạo ra bước đột phá trong cuộc chiến phòng, chống lao hiện nay.
Hưởng ứng Ngày phòng, chống lao, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng khoa Hô hấp và bệnh phổi cho biết, từ năm 2019, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã đưa xét nghiệm GeneXpert vào làm xét nghiệm để phục vụ bệnh nhân.
Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh, từ đó có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.
Khám cho bệnh nhân lao. |
Xét nghiệm có ưu việt vượt trội như độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, thực hiện dễ dàng trên nhiều loại mẫu bệnh phẩm xét nghiệm như máu, mủ, tinh dịch… ít nguy cơ lây nhiễm (vì quy trình khép kín), phát hiện ngay cả với mẫu có mật độ vi khuẩn thấp, thời gian thực hiện xét nghiệm nhanh chóng (trả sau 1 ngày nhận mẫu)…
Đây là sự lựa chọn hàng đầu trong chỉ định cũng như hỗ trợ tối đa bác sĩ chẩn đoán bệnh. Bệnh viện đa khoa Hà Đông là Bệnh viện hạng I duy nhất triển khai kỹ thuật này và thực hiện xét nghiệm phát hiện lao và lao kháng thuốc cho các trung tâm y tế và bệnh viện thuộc phía tây nam thành phố Hà Nội.
Do sử dụng hệ thống máy móc hiện đại nên xét nghiệm thực hiện đơn giản, trả kết quả trong thời gian nhanh chóng và cho kết quả kép. Ngoài việc chẩn đoán có nhiễm lao hay không, xét nghiệm này còn cho biết có nhiều hay ít vi khuẩn. Đặc biệt, xét nghiệm còn phát hiện bệnh nhân có thuộc dạng lao kháng thuốc hay không (Rifamycin), từ đó cho rút ngắn thời gian điều trị, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Từ 2019 đến nay, Khoa Hô hấp và bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thăm khám và điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân lao và là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân khám và điều trị bệnh lý phổi nói chung hay những bệnh nhân lao nói riêng.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.
"Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao quốc gia, và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035", ông Lượng cho hay.