Góp ý dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi):

Quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần cụ thể, sát thực tiễn

NDO - Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) bổ sung quy định khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là rất cần thiết, cần được xây dựng cụ thể, sát thực tiễn, tránh tình trạng dùng sai mục đích hoặc lập Quỹ mà không thể sử dụng vì vướng quy định.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.

Đây là đề xuất được nêu ra tại Hội thảo Lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng 13/6.

Dự thảo Luật đã chú trọng tới chủ thể thực sự của đổi mới sáng tạo

Tại hội thảo, đa số đại biểu tham dự tán thành cần sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 để phù hợp với bối cảnh mới, trước sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ thế giới cũng như trong nước.

Góp ý vào dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH cho biết, là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiên phong đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Tập đoàn đồng tình, ủng hộ với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Khoa học và Công nghệ.

Dự thảo Luật đã chú trọng tới chủ thể thực sự của hoạt động đổi mới sáng tạo là các doanh nghiệp, phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động từ nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; cũng như chuyển dịch hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng thực sự lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện/trường là chủ thể nghiên cứu mạnh, đi đôi với việc tái cân đối nguồn lực cả từ ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội.

Hiện, Tập đoàn TH đang vận hành nhiều dự án thực phẩm. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh nổi bật là Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, được triển khai từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, tới thời điểm này quy mô đàn bò tiệm cận 70 nghìn con tại Nghệ An và một số tỉnh thành.

Ngay từ năm 2009, khi bắt đầu triển khai Dự án tại tỉnh Nghệ An, Tập đoàn TH là doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam tận dụng những thành quả của thế giới, đó là khoa học công nghệ cao kết hợp khoa học quản trị 4.0 với trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)… để tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, một số công nghệ mang tính tiên phong trên thế giới, lần đầu tiên được TH đưa về Việt Nam tại thời điểm đó, góp phần thay đổi diện mạo, hiện đại hóa ngành chăn nuôi bò sữa và đặt nền móng cho ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao và chế biến sữa tươi sạch tại Việt Nam.

Đó là công nghệ quản lý đàn bò sữa của Afifarm (Israel) hiện đại nhất thế giới, có thể phát hiện các vấn đề về sức khỏe của bò ở giai đoạn sớm. Trong phối trộn khẩu phần thức ăn, Tập đoàn sử dụng công nghệ phần mềm Skiold (Đan Mạch) giúp kiểm soát việc nhập nguyên liệu thức ăn tinh, nghiền, phối trộn các công thức thức ăn tinh; NDS Professional (phần mềm lập khẩu phần thức ăn của Italia) và 1-ONE (phần mềm điều hành phối trộn và rải thức ăn của Israel) để phối trộn hơn 2.000 tấn thức ăn mỗi ngày...

Quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần cụ thể, sát thực tiễn ảnh 1
Quy mô đàn bò của Tập đoàn TH tiệm cận 70 nghìn con tại Nghệ An và một số tỉnh thành.

"Kinh nghiệm của TH là cần ứng dụng song hành khoa học công nghệ và khoa học quản trị thì mới tạo ra hiệu quả. Nhờ sự song hành này kết hợp với tư duy, hành động vì mục tiêu phát triển bền vững, TH trở thành mô hình điển hình về kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn", ông Ngô Minh Hải chia sẻ.

Nên có chính sách ưu đãi khi nhập khẩu nhân lực và tri thức

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là việc lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Theo Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, trong đó số sử dụng chiếm khoảng 60,3%. So với tổng số doanh nghiệp hiện có, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ khá khiêm tốn; số trích Quỹ và sử dụng Quỹ lớn tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, tỷ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam; cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ chưa đủ hấp dẫn; thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của Quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của Quỹ, có nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, thủ tục phức tạp khó thực hiện, như cơ chế giám sát nội dung chi tiêu Quỹ, quyết toán chi Quỹ với cơ quan quản lý nhà nước, chế tài phạt đối với việc trích lập mà không sử dụng hay sử dụng không hết 70% số trích…

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn TH cho rằng, đề cương dự thảo Luật hiện nay đã bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân nhận đầu tư, tài trợ từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước được chi tiêu theo định mức của nhà đầu tư, nhà tài trợ; bổ sung quy định khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp… Đây là quy định rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nội dung của quy định không nên dừng lại ở nguyên tắc chung, mà cần được xây dựng cụ thể, sát thực tiễn để có thể đi vào cuộc sống, tránh xảy ra tình trạng dùng sai mục đích, hoặc lập Quỹ mà không thể sử dụng vì vướng quy định.

Quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần cụ thể, sát thực tiễn ảnh 2
Dây chuyền sản xuất sữa TH true Milk.

Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) cũng đã bổ sung các trường hợp được hưởng chính sách ưu đãi về thuế để làm căn cứ đề xuất các chính sách cụ thể trong pháp luật về thuế, quy định ưu đãi về mua sắm công, đấu thầu... (mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo); bổ sung thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị cho nghiên cứu và phát triển. Đây là các nội dung rất thực tiễn, bắt kịp với thời đại.

Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp, chi phí dành cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là máy móc, công nghệ, mà còn cả con người (chuyên gia) và tri thức (kiến thức, tài liệu…). Nên chăng, dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm các nội dung ưu đãi cho doanh nghiệp khi nhập khẩu nhân lực và tri thức.

“Thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhập khẩu tri thức (mua dữ liệu, tài liệu, thông tin…) đổi mới sáng tạo. Các nội dung của Luật có giúp doanh nghiệp tiếp cận các tri thức đổi mới sáng tạo của nhau hoặc dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức đổi mới sáng tạo từ Nhà nước?”, đại diện Tập đoàn TH đặt vấn đề.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp mong muốn dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) cần bổ sung kịp thời các quy định về đạo đức trong nghiên cứu, bên cạnh những bổ sung về rủi ro trong nghiên cứu.