Hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn mực quốc tế cho Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia

NDO - Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thành lập, 15 năm hoạt động của Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức ngày 6/12, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có thể vận hành Quỹ theo đúng thiết kế ban đầu là một cơ quan tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ theo chuẩn mực quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Cách đây tròn 20 năm, trước yêu cầu thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 về việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Đây là một trong những sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hoạt động hoạt động quản lý khoa học và công nghệ của nước ta lúc bấy giờ.

Báo cáo kết quả hoạt động của Quỹ, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cho biết, sau 15 năm hoạt động, tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đã được cộng đồng khoa học ghi nhận và trở thành kênh tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học có uy tín đối với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn mực quốc tế cho Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia ảnh 1

Đông đảo các nhà khoa học tham dự, đóng góp ý kiến tại hội nghị

Với kinh phí tài trợ, hỗ trợ hàng năm không lớn, chỉ khoảng 2% tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, hoạt động của Quỹ bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao; thúc đẩy phát triển các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam gắn với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ và công bố khoa học quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ; góp phần thực hiện một số mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Ông Phạm Đình Nguyên cũng mong muốn hội nghị sẽ có nhiều trao đổi, ý kiến đóng góp để Quỹ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, hoàn thiện các quy định quản lý, tiếp tục cải thiện việc triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu nhằm phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học chia sẻ, các chương trình tài trợ, hỗ trợ, hoạt động của Quỹ đã tác động tích cực đến việc phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ ở các tổ chức khoa học và công nghệ. Nhiều chính sách của Quỹ mang tính tiên phong, phù hợp cao, tính lan tỏa rộng. Tài trợ của Quỹ là nguồn lực quan trọng giúp các nhà khoa học duy trì hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Các chương trình tài trợ của Quỹ đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong cả nước tham gia. Nhiều nhà khoa học được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về nước làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và tham gia các chương trình tài trợ của Quỹ.

Hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn mực quốc tế cho Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã gây dựng được thương hiệu uy tín cao trong cộng đồng khoa học nước nhà. Thời gian tới, để phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của Quỹ, cần tiếp tục hoàn thiện, duy trì các kết quả đã đạt được và tạo đà cho các kết quả vượt bậc trong giai đoạn tiếp theo, từng bước tạo dựng môi trường nghiên cứu chuẩn mực, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Theo đó, cần đảm bảo xây dựng vận hành quỹ theo thiết kế ban đầu là một cơ quan tài trợ, hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học và công nghệ chuẩn mực quốc tế, hướng đến vai trò tầm cỡ của mô hình khoa học quốc gia, tác động tích cực, mạnh mẽ hơn đến các hoạt động khoa học, công nghệ trong nước và có sự đan xen, phối hợp giữa các công bố quốc tế và đóng góp cho đất nước.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để Quỹ triển khai đầy đủ các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ mới bổ sung trong Nghị định 19/2021/NĐ-CP. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức hướng đến chất lượng nghiên cứu cao và hiệu quả tài trợ, hỗ trợ.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái nhấn mạnh, cơ chế quỹ, cơ chế tự chủ, quy định tài chính hiện nay chưa có sự tháo gỡ, làm cho quỹ hoạt động khó hơn. Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang kiến nghị Chính phủ để có sự tháo gỡ, và mong các bộ, ngành cùng đồng hành với Quỹ.

Đồng thời, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, phải hướng đến cơ chế quỹ là cơ chế xuyên suốt trong thời gian tới của ngành khoa học, công nghệ, nếu không sẽ mất tính chủ động trong nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Ngoài ra, cần tiếp tục giữ mục tiêu chiến lược nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và duy trì số lượng các kết quả nghiên cứu khoa học của Quỹ tài trợ được công bố quốc tế, tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, phát triển năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, hỗ trợ kết nối mạng lưới trong các lĩnh vực nghiên cứu, thông qua các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được tài trợ và chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học quốc gia.