Hỗ trợ thiết thực nhất để VNA vượt qua khó khăn
Cho ý kiến về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay có quy mô 4 nghìn tỷ đồng này như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.
Theo đại biểu, trong những năm vừa qua, bản thân VNA đã rất cố gắng, nỗ lực thực hiện các phương án tái cấu trúc vận hành hành chính của công ty theo hướng thu gọn các đầu mối, tiết kiệm được chi phí, cũng như hoãn, giãn các khoản nợ và đạt được các thành quả bước đầu.
VNA cũng nằm trong tốp những hãng hàng không trên thế giới được đánh giá cao về độ phục vụ và an toàn bay, khi áp dụng kỹ thuật và công nghệ để tăng độ an toàn bay. Do đó, đại biểu nhất trí với phương án Chính phủ đề xuất hỗ trợ VNA trả nợ chậm để hãng có thời gian phục hồi.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo đại biểu, uy tín của hãng hàng không quốc gia cũng là bộ mặt của đất nước. Trong bối cảnh khó khăn, các nước trong khu vực như Malaysia và Singapore cũng có các hỗ trợ cho hãng hàng không quốc gia của mình.
Do đó, việc gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn đối với VNA bước đầu sẽ giúp công ty không bị dừng giao dịch trên thị trường chứng khoán, vẫn duy trì được hoạt động phục vụ đất nước.
Song đại biểu Hùng cũng cho rằng, báo cáo kèm theo chưa đánh giá được sâu sát, kỹ lưỡng các nguyên nhân khách quan, chủ quan về những khó khăn đối với VNA vừa qua. Ở góc độ tự thân, đại biểu mong muốn VNA có chiến lược căn cơ, bài bản hơn trong tương lai để đứng vững khi đã có sự hỗ trợ từ Chính phủ và đồng hành của Quốc hội.
Đại biểu lưu ý, liên quan đề án tái cấu trúc, tổng công ty cần tiến hành nhanh hơn, bởi từ giữa 2021 đến nay, nhiều nội dung lớn liên quan tái cấu trúc VNA vẫn chưa hoàn thành, như thoái vốn, chuyển nhượng vốn ở các công ty con còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra…
Trình Quốc hội xem xét gia hạn khoản vay 4 nghìn tỷ đồng “giải cứu” Vietnam Airlines
“Bên cạnh khoản Chính phủ hỗ trợ, tự thân VNA muốn phát triển được thì còn vài điểm hãng cần xử lý căn cơ để đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không khác trong tương lai, và cũng hy vọng VNA sẽ không cần các hỗ trợ tiếp theo”, đại biểu đoàn Cần Thơ nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, trong bối cảnh cấp thiết hiện nay, phương án Chính phủ trình bảo đảm tính khả thi, với mức lãi suất hỗ trợ tốt nhất, thiết thực nhất để VNA vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ yêu cầu VNA thông tin rộng rãi, đầy đủ hơn để người dân hiểu hơn về những nỗ lực của tổng công ty trong cố gắng vượt khó khăn, tránh gây ra những hiểu lầm cho rằng doanh nghiệp có vốn nhà nước khi gặp khó khăn lại cần đến sự giúp đỡ.
Cần phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA
Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Cũng bày tỏ nhất trí với phương án hỗ trợ VNA, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, cần gia hạn trả nợ để bảo đảm uy tín, thương hiệu của hãng hàng không quốc gia, tuy nhiên, cũng phải đánh giá phương án trả nợ một cách xác thực.
Theo đại biểu, Quốc hội khóa XIV đã thống nhất phương án trả nợ đối với VNA. Đến nay, qua đánh giá, các phương án đưa ra trước đây hầu như có rất ít tác động, phương án thanh toán khoản nợ của VNA không đạt như kỳ vọng, điều đó cho thấy tính dự báo của phương án đưa ra trước đây là không xác hợp và không hiệu quả.
“Quốc hội khóa XV lại bàn phương án hỗ trợ VNA trả nợ và duy trì hoạt động thì những tính toán phương án trả nợ này có rơi vào các phương án như đã tính toán trước đây hay không?” - đại biểu nêu băn khoăn, đồng thời cho rằng các cấp, các ngành cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VNA phải tính toán hết sức cụ thể.
Theo đó, cần phân tích nguyên nhân chủ quan trong việc tổ chức hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá hãng hàng không quốc gia so với các hãng khác ở trong nước trong cùng 1 điều kiện để có phương án tổ chức tái cơ cấu, sắp xếp lại, điều hành các hoạt động bay và kinh doanh cho thật hiệu quả.
“Chính phủ, Quốc hội đều mong muốn hãng hàng không quốc gia hoạt động hiệu quả, duy trì các hoạt động bay và uy tín thương hiệu ngày một tăng lên. Do đó, cần có đánh giá toàn diện bởi trong phương án báo cáo, các yếu tố khó khăn chủ yếu là khách quan, còn yếu tố chủ quan đặc biệt liên quan điều hành doanh nghiệp chưa đánh giá sâu sát. Khi chưa đánh giá rõ nguyên nhân mà chúng ta hỗ trợ lần này và không có phương án cụ thể thì việc tiếp tục rơi vào khó khăn rồi lại hỗ trợ cũng có thể xảy ra”, đại biểu Toàn nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. |
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhất trí đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 nội dung cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo sớm có văn bản tổ chức thực hiện, đồng thời đánh giá kỹ hơn nguyên nhân và trách nhiệm tại sao để thua lỗ kéo dài, chỉ đạo khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu VNA.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ ngành hàng không nói chung và các hãng hàng không khác chứ không chỉ riêng VNA.
Trước tình trạng hiện nay, số tàu bay đang giảm sút, đại biểu kiến nghị có giải pháp hỗ trợ các hãng duy trì, bổ sung đội tàu bay và đưa vào khai thác một số tàu bay đang bị bỏ không.