Giá vé bay dịp cao điểm hè đã “hạ nhiệt”

NDO - Trên các chặng bay nội địa (trục chính và du lịch) hạng phổ thông cơ bản (chưa gồm thuế, phí), các hãng hàng không Việt Nam đang công bố giá vé thấp hơn đáng kể so với mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
0:00 / 0:00
0:00
Trên các chặng bay nội địa hạng phổ thông cơ bản, các hãng hàng không đang công bố giá vé thấp hơn so với mức tối đa quy định.
Trên các chặng bay nội địa hạng phổ thông cơ bản, các hãng hàng không đang công bố giá vé thấp hơn so với mức tối đa quy định.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay trong dịp cao điểm hè đã “hạ nhiệt” và thời điểm giá vé bay đang “nóng” cũng chưa chạm khung giá trần.

Trường hợp hành khách chịu khó bay đêm, mức giá sẽ rẻ hơn so với ban ngày. Trong tháng 6, giá vé tương đương từ 13-80% mức giá tối đa trên các chặng bay.

Khi đặt vé cho các ngày xa hơn, các hãng có sẵn các mức giá thấp hơn để hành khách lựa chọn. Trong tháng 7, giá vé tương đương từ 20-70% mức tối đa trên các chặng bay.

Đơn cử, nếu đặt vé bay vào ngày thứ 7 (ngày 13/7), chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Vietnam Airlines có giá dao động từ 1,1-1,7 triệu đồng (tương đương 31-48% mức giá tối đa theo quy định là 3,4 triệu đồng); Vietjet Air có giá dao động từ 0,8-1,3 triệu đồng (tương đương 23,2-37,9% mức giá tối đa theo quy định).

Giá vé bay dịp cao điểm hè đã “hạ nhiệt” ảnh 1

Trong tháng 7, giá vé của các hãng tương đương từ 20 đến 70% mức tối đa trên các chặng bay.

Trên đường bay Hà Nội-Đà Nẵng, Vietnam Airlines có giá dao động từ 0,6-1,8 triệu đồng (tương đương 21-62% mức giá tối đa theo quy định là 2,89 triệu đồng); Vietravel Airlines có giá dao động từ 0,6-1,4 triệu đồng (tương đương 20-47% mức giá tối đa theo quy định).

Trên chặng Hà Nội-Phú Quốc, Vietnam Airlines công bố giá từ 2,3-2,8 triệu đồng, (tương đương 56,7-70% mức giá tối đa theo quy định là 4 triệu đồng); Vietjet Air có giá dao động từ 1,2-1,8 triệu đồng (tương đương 30-45% mức giá tối đa theo quy định).

Từ ngày 10/6, hãng hàng không Vietjet tăng hàng loạt chuyến bay đêm trên nhiều đường bay để đáp ứng nhu cầu đi lại trong cao điểm hè.

Các chuyến bay khởi hành trong khung giờ từ sau 1 giờ đến khoảng 2 giờ 30 phút, tập trung chủ yếu trên các đường bay du lịch đến và đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Nha Trang, Hải Phòng,…

“Giá vé bay đêm của Vietjet sẽ thấp hơn các giờ bay ban ngày để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, du khách thêm lựa chọn di chuyển”, đại diện lãnh đạo hãng Vietjet thông tin.

Các chuyến bay đêm của Vietjet dịp này tăng gần 46% số chuyến bay đêm so với thường lệ, tương đương 3.100 chuyến bay đêm trên toàn mạng bay.

Dịp hè này, Vietjet cung cấp thêm tổng cộng 1,4 triệu vé, tương đương mức tăng gần 35% tải cung ứng nội địa để phục vụ khách du lịch trên các đường bay du lịch trong nước.

Giá vé bay dịp cao điểm hè đã “hạ nhiệt” ảnh 3

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các giải pháp, chính sách giảm giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Với mạng bay quốc tế, Vietjet tăng gấp đôi tần suất bay giữa Nha Trang và Busan (Hàn Quốc) lên 14 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần, mở thêm các đường bay mới Hà Nội-Melbourne ngày 3/6, Hà Nội-Sydney từ 8/6 và tăng tần suất trên nhiều đường bay quốc tế để phục vụ nhu cầu tăng trong dịp hè.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khai thác và mở bán tăng cường các chuyến bay khai thác vào khung giờ muộn từ sau 21 giờ hằng ngày trên các đường bay giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn,… để thêm lựa chọn cho hành khách trong bối cảnh tải cung ứng giảm do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ.

“Với những chặng bay đêm và sáng sớm, nguồn cung giá vé còn dồi dào trên nhiều đường bay và hành khách dễ dàng lựa chọn cho mình hành trình với mức giá phù hợp nhất trong khả năng chi trả”, đại diện hãng Vietnam Airlines cho hay.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan trong ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay.

Bộ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hành khách.

Các hãng hàng không cần chủ động thực hiện kế hoạch bổ sung thêm tàu bay để tăng tải cung ứng phục vụ trong giai đoạn cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải

Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các hãng hàng không, địa phương và công ty lữ hành nghiên cứu, triển khai các sản phẩm du lịch theo gói (combo) nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng dịch vụ, giảm chi phí để đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và nền kinh tế.

Bộ cũng yêu cầu các hãng hàng không Việt nam thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định. Thông tin về cơ cấu các khoản thu trong giá vé phải đầy đủ, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho hành khách.

“Các hãng thực hiện dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá trên đường bay nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn. Hãng hàng không cũng cần chủ động thực hiện kế hoạch bổ sung thêm tàu bay để tăng tải cung ứng phục vụ trong giai đoạn cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Trước số lượng máy bay đang bị tạm dừng khai thác do triệu hồi động cơ với số lượng lớn, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị về nâng cao biện pháp bảo đảm an toàn hàng không trong điều kiện các hãng hàng không đã tối ưu hóa nhằm tăng thời gian sử dụng máy bay để duy trì hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của ngành hàng không.