Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ vốn đầu tư công

NDO - Việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công là hạn chế, lãng phí rất lớn. Do đó, tới đây Quốc hội sẽ xem xét, đề nghị Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong từng trường hợp gây nên sự chậm trễ này.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm phát biểu tại họp báo. (Ảnh: DUY LINH)
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm phát biểu tại họp báo. (Ảnh: DUY LINH)

Thông tin trên được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho biết tại họp báo sáng 19/5 về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết, việc phân bổ nguồn vốn trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua diễn ra chậm.

“Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi trên trước ngày 31/3/2023. Cơ bản một phần lớn vốn đã được phân bổ cho các dự án có đủ điều kiện, nhưng qua thời hạn 31/3, vẫn còn số vốn rất lớn chưa được phân bổ theo Nghị quyết của Quốc hội thì sẽ không phân bổ tiếp do đã hết thẩm quyền của Quốc hội”, ông Lâm nhấn mạnh.

Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ vốn đầu tư công ảnh 1

Quang cảnh họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách, tăng cường giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ, là khâu đột phá, nên cơ quan tham mưu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét dự án nào đủ điều kiện thì cho phân bổ, còn lại thì sẽ đưa vào dự phòng.

Ông Lâm cũng cho biết, trong hơn 14 nghìn tỷ đồng vốn của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội chưa phân bổ, nếu Quốc hội cho phép sẽ tiếp tục giao 13 nghìn tỷ đồng cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, còn lại hơn 700 tỷ đồng đối với các dự án chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm thủ tục thì hủy dự toán.

Trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn, số chưa phân bổ còn gần 280 nghìn tỷ đồng và phần lớn trong số này sẽ được đưa vào dự phòng, tiếp tục xem xét phân bổ cho các danh mục dự án.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào ngày 23/6. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6, đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023, với tổng thời gian làm việc 22 ngày theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

“Cho đến nay, Ủy ban Tài chính-Ngân sách bên cạnh việc đề xuất phân bổ tiếp 13 nghìn tỷ đồng cho vốn phát triển kinh tế-xã hội, tới đây sẽ đề xuất phân bổ tiếp lượng lớn vốn trong số 280 nghìn tỷ nói trên, trình Quốc hội xem xét cụ thể phân bổ cho các dự án đủ điều kiện, còn lại sẽ đưa vào dự phòng, dành cho các dự án sau này”, ông Lâm thông tin.

Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công là hạn chế lớn, làm chậm việc đưa nguồn lực của đất nước phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời là lãng phí rất lớn.

Do đó, tới đây cơ quan tham mưu sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, đề nghị Chính phủ trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 xem xét, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong từng trường hợp gây nên sự chậm trễ này, đồng thời báo cáo với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.