Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Thời gian qua, tại tỉnh Phú Yên có hàng loạt dự án đầu tư công, trong đó, nhiều dự án lớn, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian. Thậm chí có dự án đã thực hiện tới 99% khối lượng công việc, nhưng không thể hoàn thành.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công đường đấu nối từ Khu công nghiệp Hòa Tâm (Khu kinh tế Nam Phú Yên) với Quốc lộ 1 vào đường bộ cao tốc bắc-nam sau khi được bàn giao mặt bằng.
Thi công đường đấu nối từ Khu công nghiệp Hòa Tâm (Khu kinh tế Nam Phú Yên) với Quốc lộ 1 vào đường bộ cao tốc bắc-nam sau khi được bàn giao mặt bằng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do vướng giải phóng mặt bằng, công tác bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, tái định cư cho người dân nhiều dự án chưa thực hiện được. Trước thực trạng này, tỉnh Phú Yên đang tập trung các giải pháp để khắc phục, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nhiều dự án dở dang

Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên Nguyễn Khoa Ðãm cho biết, đơn vị vừa báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa giải quyết các vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng của chín dự án, công trình do Ban làm chủ đầu tư đang xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, chín dự án gồm: Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh; Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; hồ điều hòa Hồ Sơn và hạ tầng chung quanh; kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Ðà Rằng mới đến cầu Ðà Rằng cũ; kè chống xói lở ven bờ biển khu vực xóm Rớ giai đoạn 2; dự án đường Trần Phú nối dài và hạ tầng kỹ thuật; dự án Công viên ven biển thành phố Tuy Hòa (đoạn từ cảng cá phường 6 đến đường Nguyễn Huệ và đoạn từ resort Thuận Thảo đến Nhà nghỉ Hội Nông dân tỉnh); dự án tuyến đường 14 và dự án nút giao thông khác mức đường Hùng Vương-Quốc lộ 1.

Ðây là những dự án có ý nghĩa quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung, có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tất cả các dự án này đều đã được triển khai, nhưng quá trình thi công vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ, có dự án phải tạm dừng, ảnh hưởng giải ngân vốn đầu tư công, gây bức xúc trong cử tri địa phương.

Ðơn cử, dự án Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020, theo đúng tiến độ, công trình được đưa vào sử dụng từ năm 2021. Nhưng vì chưa có cơ sở xác định giá đất cụ thể để đền bù, thu hồi đất của một hộ dân, dẫn đến nhiều hạng mục dang dở. Ðến tháng 12/2020, công trình tạm dừng thi công cho đến nay.

Khu kinh tế nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Hằng năm, nguồn vốn đầu tư công đổ vào đây rất lớn để xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư. Tuy nhiên quá trình triển khai, nhiều dự án giá trị hàng trăm tỷ đồng bị chậm tiến độ; thậm chí có dự án kéo dài nhiều năm không thể hoàn thành, nguyên nhân cũng do vướng giải phóng mặt bằng. Trong đó, phải kể đến dự án tuyến đường Phước Tân-Bãi Ngà (nay thuộc Quốc lộ 29 từ Vũng Rô đi Ðắk Lắk) do Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư. Ðến nay đã gần tám năm, giá trị khối lượng thực hiện dự án đạt khoảng 353 tỷ đồng, tương ứng khoảng 84% giá trị hợp đồng, tuy nhiên, phần còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng của một số hộ dân nên buộc phải tạm dừng thi công, và thời điểm hiện tại vẫn chưa có động thái gì.

Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên Lê Xuân Hùng cho rằng: Các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng so với thực tiễn, nên khi triển khai thực hiện, các đơn vị chức năng còn lúng túng. Các cơ quan hữu quan ở địa phương chưa có sự nhất quán trong việc xác định giá cây trồng, vật nuôi; thủ tục xác định giá đất cụ thể; xác định nghĩa vụ tài chính thời điểm người dân nhận đất tái định cư,...

Các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng so với thực tiễn, nên khi triển khai thực hiện, các đơn vị chức năng còn lúng túng. Các cơ quan hữu quan ở địa phương chưa có sự nhất quán trong việc xác định giá cây trồng, vật nuôi; thủ tục xác định giá đất cụ thể; xác định nghĩa vụ tài chính thời điểm người dân nhận đất tái định cư,...

Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên Lê Xuân Hùng

Bên cạnh đó, các hộ dân bị ảnh hưởng dự án cho rằng, đền bù của Nhà nước chưa thỏa đáng. Một số trường hợp kiên quyết không nhận tiền bồi thường vì cho rằng đơn giá bồi thường quá thấp; hoặc một số hộ yêu cầu cấp đất tái định cư và chi trả các khoản hỗ trợ không phù hợp,...

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công ảnh 1

Dự án công trình Nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Phường 1, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng.

Giải pháp khắc phục

Trước thực trạng chậm tiến độ ở các dự án trọng điểm, các ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã nhiều lần báo cáo, đề xuất ủy ban nhân dân các địa phương nơi có dự án cần phối hợp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo, yêu cầu thành phố Tuy Hòa và thị xã Ðông Hòa phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư trong tháng 4/2023 và chậm nhất là trong quý III/2023. Trước những yêu cầu bức thiết về giải phóng mặt bằng để thi công các dự án đang chậm tiến độ, chính quyền địa phương cũng đã tính đến phương án thực hiện thủ tục cưỡng chế, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ðông Hòa Nguyễn Lê Vi Phúc, thị xã có nhiều dự án trong Khu kinh tế nam Phú Yên bị vướng giải phóng mặt bằng. Hiện nay, chính quyền tiếp tục vận động các hộ dân có nhà, đất và công trình trong diện giải tỏa nhận đền bù để giao đất cho dự án. Các đơn vị thực hiện minh bạch, rõ ràng, tính toán giá đền bù theo đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm thỏa đáng để người dân yên tâm. Ðịa phương cũng tính đến phương án cưỡng chế đúng pháp luật đối với những vị trí cần thiết để bàn giao mặt bằng thi công các công trình vì lợi ích chung.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hiện nay. Chính quyền các cơ sở có dự án đầu tư phải linh hoạt, vận động người dân trong việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư để người dân nhận thức, chấp hành tốt,…

Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hiện nay. Chính quyền các cơ sở có dự án đầu tư phải linh hoạt, vận động người dân trong việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư để người dân nhận thức, chấp hành tốt…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ

Ðồng thời, tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2023. Ðể giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc từ năm 2022 kéo dài đến nay và những vấn đề phát sinh trong năm 2023, nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp.

Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Các chủ đầu tư tập trung hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phấn đấu hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, vốn được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 (nếu có) của tất cả các dự án trước ngày 30/11; tuyệt đối không để mất vốn.