Sáng 11/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu
Thẩm tra sơ bộ báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, Thường trực Ủy ban đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Chính phủ ban hành Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ 5 Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. (Ảnh: DUY LINH) |
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo. Còn 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nêu những hạn chế trong kết quả triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ còn bất cập, kết quả không đạt như dự kiến, đến 31/12/2022, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ chỉ đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 26% tổng số vốn), chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, đến cuối tháng 3/2023 mới đạt khoảng 327 tỷ đồng (bằng 0,82% nguồn lực bố trí).
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Phạm Thúy Chinh, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.
Công khai danh sách đơn vị chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Về một số đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai và có hình thức xử lý đối với hành vi lãng phí, vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và xác định thời điểm hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10.
Để tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là khẩu hiệu
Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ, giao vốn đầu tư; tổ chức thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, thanh toán, quyết toán đúng tiến độ các công trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, các dự án quan trọng quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong tổ chức thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp, chính sách mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước chậm triển khai, vi phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.