Quảng Trị thúc đẩy du lịch ký ức và văn hóa cội nguồn

NDO -

Vùng đất Quảng Trị giàu trầm tích văn hóa, lịch sử và di tích cách mạng là nguồn tài nguyên nhân văn phong phú để bảo tồn, tôn tạo phục vụ khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đúng tầm vóc, nhất là du lịch ký ức và văn hóa cội nguồn.

Du khách tham quan cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải.
Du khách tham quan cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải.

Cựu chiến binh Hoàng Dũng ở tỉnh Ninh Bình hằng năm thường trở lại Quảng Trị trong dịp 30/4 bằng chuyến du lịch tâm linh, dâng hương các đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường xưa.

Lần này, ông còn đưa con cháu đến Quảng Trị để thế hệ trẻ hiểu thêm về mảnh đất mà các bậc cha, chú từng chiến đấu, hy sinh hơn 20 năm mới giành được hòa bình, thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.

Du khách từ khắp mọi miền đất nước đất nước đến Quảng Trị trong những ngày tháng tư lịch sử này, nơi có cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 để chứng kiến sự phát triển của vùng đất tươi đẹp từng bị hủy diệt khốc liệt bởi chiến tranh.

Quảng Trị hôm nay có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia, có những nghĩa trang không mộ, nơi hình hài người lính đã hóa thành sông núi. Hơn 400 di tích lịch sử, văn hóa các cấp đã được quy hoạch, bảo tồn, phát triển với nhiều địa danh là điểm đến nổi tiếng làm lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình như Đường 9, Khe Sanh, Hiền Lương, Bến Hải, Vịnh Mốc, Tà Cơn, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Hàng rào điện tử Mc Namara, Thành cổ Quảng Trị…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, dư địa phát triển du lịch Quảng Trị còn rất lớn. Thời gian qua, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2021, Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Trị được tổ chức Festival vì hòa bình giúp thúc đẩy du lịch ký ức và văn hóa cội nguồn, trong đó thị xã Quảng Trị và cụm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải là những điểm nhấn quan trọng. Festival được tổ chức vào tháng 7, định kỳ hai năm một lần có quy mô quốc tế; nằm trong danh mục các sự kiện văn hóa lớn của quốc gia nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, xây dựng cuộc sống thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Những ngày này, thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến của nhiều người trong tua du lịch ký ức và hoài niệm. Thành cổ Quảng Trị có diện tích chưa đến 19 ha nằm giữa lòng thị xã được xem như “nghĩa trang không mồ”. Kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm (28/6-16/9/1972) chống quân đội đế quốc Mỹ và quân đội chế độ cũ phản kích tái chiếm Thành cổ, cả thị xã cũng như Thành cổ hoang tàn đổ nát. Hàng nghìn người con yêu của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống đất này trên hành trình chiến đấu giành độc lập, tự do.

Thành cổ Quảng Trị và cụm di tích liên quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Thị xã Quảng Trị trong quá trình vươn lên luôn mang dáng dấp một đô thị ký ức lịch sử.

Để phục vụ phát triển du lịch và văn hóa, tỉnh Quảng Trị đồng ý xây dựng tại thị xã công trình lớn mang tên Nhà trưng bày Thành cổ Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm. Nhà trưng bày tạo lập không gian vì hòa bình, tái hiện lịch sử. Du khách sẽ được sống lại ký ức về thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm khó quên và không gian chiêm nghiệm về hy sinh, mất mát do chiến tranh tàn khốc gây ra.

Nhiều nhà tổ chức du lịch cho biết, ngoài những tour, tuyến đang khai thác, du lịch Quảng Trị vẫn thiếu những sản phẩm mới xứng tầm với di sản văn hóa cội nguồn.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân Viện văn hóa-nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho biết, Quảng Trị có nhiều thế mạnh phát triển du lịch ký ức và văn hóa cội nguồn mà các tỉnh, thành phố khác không có được. Tháng 10/1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đóng dinh ở vùng đất Ái Tử-Trà Bát, nay là xã Triệu Ái, xã Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trong hành trình 68 năm đặt dinh tại Ái Tử-Trà Bát, ngoài việc cho xây dựng các dinh phủ bảo đảm việc điều hành quản lý của chính quyền, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã tập trung thiết lập các thiết chế phục vụ hoạt động quân sự, thương mại và văn hóa mà dấu vết ngày nay còn để lại qua các địa danh như: Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Gềnh Phủ, Miếu Trảo Trảo phu nhân… nhằm biến Ái Tử-Trà Bát thành trung tâm đầu não của cả Ðàng Trong; tạo nền móng vững chắc cho công cuộc mở cõi về phương nam.

Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa đó, các địa điểm liên quan Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) trên đất Triệu Phong đã được xếp hạng đặc cách là di tích cấp tỉnh từ năm 1996; đến năm 2018 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Do thời gian, thiên tai và chiến tranh tàn phá cùng việc chưa được quan tâm đầu tư tôn tạo đúng mức, cho nên trên đất cựu dinh đến nay vẫn chưa có di tích đủ níu chân du khách. Quảng Trị cần tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử - văn hóa và tâm linh mới để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận, khu vực. Giải pháp quy hoạch đặt ra là tập trung vào việc đầu tư, tôn tạo một số công trình chính yếu kết hợp bảo tồn các yếu tố gốc có được từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học cùng với việc phục hồi, phục dựng một số công trình vốn đã bị xóa dấu vết trên nền đất cựu dinh xưa. Trước hết nên xây dựng một công trình ban đầu mang tên “Bước chân chúa Nguyễn Hoàng”, người mở đầu quá trình phát triển về phía nam của đất nước.

QUẢNG TRỊ THÚC ĐẨY DU LỊCH KÝ ỨC VÀ VĂN HÓA CỘI NGUỒN -0
Quảng Trị xây dựng "Nhà trưng bày Thành cổ Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm" tại thị xã Quảng Trị để thu hút khách du lịch. 
 

Cũng là ký ức của lịch sử và cội nguồn, tại vùng biển Cửa Việt, nay thuộc địa bàn thị trấn Cửa Việt của huyện Gio Linh và xã Triệu An của huyện Triệu Phong, đã xảy ra trận đánh lớn vào ngày 30 và 31 /1/1973, thường gọi là trận phản đột kích Cửa Việt. Đây không đơn thuần là trận thắng lớn của quân Giải phóng đập tan cuộc hành quân quyết chiếm Cửa Việt của quân đội chế độ cũ, mà quan trọng hơn là tầm nhìn và bài học kinh nghiệm về chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước từ xưa đến nay.

Cũng trong câu chuyện chủ động giữ vững chủ quyền biển đảo, vào năm 1585 có năm chiếc thuyền lớn của nước ngoài đến Cửa Việt cướp bóc ven biển, Chúa Nguyễn Hoàng cho con trai thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên đánh toán cướp. Trận hải chiến bảo vệ người dân, khẳng định chủ quyền đảo nước Việt.

Theo tiến sĩ Trần Đình Hằng, câu chuyện về biển của Quảng Trị rất ý nghĩa. Vì vậy, cần thiết xây dựng tại Cửa Việt một bảo tàng văn hóa biển nhằm lưu giữ những hình ảnh của trận chiến đấu sinh tử năm xưa cũng như quá trình cha ông ta chung sức xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương. Nơi ấy sẽ trưng bày những chiếc thuyền chở vũ khí và lương thực của miền bắc vào phục vụ chiến trường miền nam; những hiện vật liên quan đến trận chiến tại Cửa Việt và cả hệ sinh thái văn hóa biển do ngư dân tạo dựng, vun đắp nên. Bảo tàng văn hóa biển ở Cửa Việt cùng với đảo Cồn Cỏ là điểm nhấn của tour du lịch biển đảo, là nơi phục vụ công tác giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc cũng như thu hút nhiều du khách đến khám phá tính mới, độc đáo mà các địa phương khác không có.

50 năm Hiền Lương - Bến Hải