Quảng Ninh tăng cường liên kết tiêu thụ quả na Đông Triều

NDO -

Ngày 30/6, Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị liên kết 6 nhà về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả na Đông Triều với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng, các đơn vị đang tham gia phân phối tiêu thụ quả na Đông Triều.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng na ở xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng na ở xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Theo thống kê, hiện thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có hơn 2.000ha trồng cây ăn quả. Trong đó, vùng trồng na chiếm gần 890ha, tập trung tại các xã An Sinh, Việt Dân, Tân Việt, Bình Khê với năng suất 125 tạ/ha, sản lượng khoảng 11.120 tấn/năm. Sản phẩm na dai Đông Triều đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian qua, cây na đã trở thành một trong những loại cây trồng mũi nhọn của thị xã Đông Triều, giúp mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Tuy nhiên đến nay, nhiều diện tích đất trồng na đã xuất hiện tình trạng già cỗi, thoái hóa, cho năng suất, chất lượng không cao. Bên cạnh đó, việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm na chủ yếu được các hộ thực hiện theo phương thức truyền thống, chưa thực sự chú trọng áp dụng khoa học-kỹ thuật, sản xuất nên còn thiếu tính bền vững, ổn định.

Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Để cây na tiếp tục phát triển, tăng giá trị kinh tế và liên kết theo chuỗi, bền vững từ sản xuất, sơ chế đến lưu thông, tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng, nhà phân phối và người nông dân để góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến trao đổi giữa các hộ trồng na và nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, nhà phân phối, doanh nghiệp, ngân hàng về kỹ thuật trồng, chăm bón, thu hoạch, bảo quản na; chính sách, định hướng kinh doanh, kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển và nâng cao giá trị cây na Đông Triều.